Skip to content

Người Làm Ruộng

Lời Vọng Cổ Tình Mẹ (TG: Phạm Văn Phú)

Một bài vọng cổ rất hay của tác giả Phạm Văn Phú nói về việc gìn giữ tình mẹ của những người con xa xứ qua câu hát, lời ru ngọt ngào thuở ấu thơ.

NÓI LỐI

Tôi đã gặp một bà mẹ trẻ giữa trưa hè ru con thơ bằng điệu nhạc loạn cuồng của miền Nam Mỹ xa xôi.

Và tôi cũng đã mấy lần dự cuộc tiễn đưa những người bạn tôi ra sân bay đi đoàn tụ.

Vậy mà trên tay họ vẫn còn trân trọng nâng niu cây đàn tranh xứ sở.

CÂU 1:

Hai điều đó đã làm cho tôi suy nghĩ, bạn ơi bạn sẽ là ai nếu không còn thương mẹ.

Sẽ ra sao khi xa lạ với ngôn ngữ quê hương bằng điệu lý câu...hò.

Sẽ về đâu khi bến vắng đợi con đò.

Để khi lớn khôn bạn không hề trống vắng, một tình mẹ tuyệt vời từ những lời ru.

Mẹ dạy vui buồn thương ghét giữa nhân gian từ buổi sơ sinh cho tới lúc trưởng thành.

Một ngọn nguồn đã khơi dậy từ đâu, từng điệu hát đơn sơ mà mênh mông dàn trải…

CÂU 2:

Ầu...ơ...con chim se sẻ nó đẻ trên cột đình

Bà ngoại đẻ má, má đẻ mình bạn ơi

Gian khổ hay giàu sang mỗi cuộc đời riêng tấm áo nhưng vẫn chung một nguồn cội quê nhà.

Xứ sở thiêng liêng bởi nhân nghĩa đậm đà.

Bạn ơi câu hát ru hay tiếng đàn tranh thổn thức bạn có ấm lòng nơi đất lạ trời xa.

Hãy biết ơn những câu hát ầu ơ những cung điệu quê hương mênh mông sâu lắng

Ai nỡ lãng quên và ai còn mang nặng để xa cách cũng gần mà tình mẹ lại đành xa.

NÓI LỐI

Thiên chức thanh cao thuộc về người mẹ

Trải cuộc đời với muối mặn gừng cay

Để cho con có vị ngọt của đời

Và hơn nữa một quê hương rất thật

CÂU 4:

Tìm đâu thấy trong những âm vang xa lạ, những hình ảnh quê hương cho con trẻ biết tôn...thờ

Biết trân trọng nâng niu từng chữ từng lời.

Bạn ơi có khi nào nghe lòng day dứt, khi tiếng đàn bầu nó trỗi điệu Nam Ai

Và khi bạn nếm hương vị lạ xa, chắc cũng không hơn được cái đậm đà của xứ sở

Không thể có mùi hương cau nhè nhẹ và hơi thở Việt Nam nơi xứ lạ quê người.

CÂU 5:

Điều gì đã khiến cho ai kia không nhớ nổi một lời ru, nhưng lại rất thuộc những bài ca du nhập.

Có phải chăng vì quê hương còn nghèo khó nên quay mặt đi với cung điệu quê nhà.

Để tìm kiếm ở nơi xa một tình cảm đậm đà.

Ai ơi nếu chưa ấm trái tim quê mẹ thì làm sao tìm được chút tình chân thật của người ta.

Cái nghèo nó buộc ta phải trông rộng nhìn xa, phải vươn tới nhưng xin đừng phụ bạc.

Manh áo cũ còn có ngày thay mới, còn tình nghĩa thì muôn thuở phải vun bồi.

CÂU 6:

Mỗi câu hát lời ru là một dòng suối mát, tuôn chảy ngàn đời sông biển mới mênh mông

Mình phải thương cái e thẹn ngại ngùng khi có người lỡ hát sai đàn lỗi nhịp.

Hãy hiểu cho nỗi lòng tha hương hoài vọng bằng câu hát tiếng đàn từ nguồn cội mang theo.

Đã thường tình chuyện kẻ ở người đi nhưng rất hiếm những cung điệu quê nhà nơi đất khách.

Xa mặt cách lòng mình đâu dám trách nhưng buồn hay lo khi thiếu đi một tình mẹ ru hời.

Bạn nhé bao giờ mình cũng hướng tới ngày mai nhưng xin hãy thương mẹ và nhớ ơn những lời ru sâu lắng.

Ầu...ơ...tay bưng dĩa muối chấm gừng

Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau.

Lời Vọng Cổ Chiếc Nóp Quê Hương

Đây là một bài ca cổ rất hay của tác giả Văn Hồng Cẩm, từng được phát rất nhiều lần trên sóng phát thanh.

CHIẾC NÓP QUÊ HƯƠNG

TÁC GIẢ: VĂN HỒNG CẨM

Nói Lối

Thuở bé thơ tôi sống đời cơ cực

Ngày chăn trâu đêm về với chiếc nóp tả tơi

Nóp ấp ủ tôi những cơn giá lạnh mưa rơi

Ru tôi ngủ như hồn trong nôi nhỏ

LÝ GIAO DUYÊN

Gió bấc đêm sương

thương người không manh áo

sống kiếp cơ bần

tô nợ chất chồng

nóp rách chẳng toàn thân

lưng roi đòn tan nát thân

biết cùng ai san sẻ

chỉ đêm đêm nóp cũ thân gầy

nhìn sao trời tủi phận đắng cay

tiếng quốc gọi về theo từng giọt lệ rơi

CÂU 1:

Rồi một sáng mùa thu đất trời lồng lộng

mõ tre vang động hoà muôn tiếng trống nóp gọn sau lưng tôi cùng nhịp sống bao...người

Dứt gông xiềng nô lệ tháng tám cho tôi một cuộc đời.

Ngọn tầm vông mẹ gánh lúa nộp tô chúa đất, trao lại cho con lên đường làm vệ quốc quân.

Và chiếc khăn rằn ông cha để lại trước lúc chúng xâu tay lưu đày biệt dạng.

Ta làm cờ lệnh xông lên để trả hờn cho muôn lòng thù Quốc.

CÂU 2:

Đây túi gạo nàng tiên theo người ra trận hương vị dẻo thơm

mang tình quê vương vấn với cả ngày thơ ở độ chăn trâu tủi hận chất chồng.

Túi gạo yêu thương gói tròn trong nóp cho ngào ngạt hương nồng.

Buổi công đồn nóp làm giá súng giữ chiến khu nóp xây thành luỹ kiên trung.

Thắng trận này thêm trận mới càng cao kháng chiến trường kỳ tả tơi mảnh vá

Nhưng nóp vẫn một lòng vàng đá, với tình người thề quyết ra đi.

CÂU 3:

Ôi chiếc nóp quê hương là gia đình đời vệ quốc

khi thắng trận về trải nóp quay quần kể chuyện chiến công.

Các mẹ cho quà các em múa ca trìu mến

vạn mối tình sâu nặng thiêng liêng

Ngày bưng biền lại kê nóp làm bàn tập đánh vần khuya

đêm nóp ru giấc ngủ say mơ ai giọng hoà dìu dặt.

Hò...ơ...gió đẩy gió đưa bông bồn bồn rụng trắng,

thương anh vệ quốc đoàn vai nặng súng mang.

Đêm đêm em thức giã bàng, chờ dịp qua làng đan nóp tặng anh.

Hò...ơ....đêm nay gió dịu trăng thanh, sao bằng ánh mắt long lanh rạng ngời.

Chứa trong chiếc nóp em ơi, theo anh đi khắp nơi nơi chiến trường.

CÂU 5:

Đánh Pháp thua anh lại lên đường đánh Mỹ

Mang võng sau lưng mà tưởng chừng chiếc nóp ngày xưa.

Đêm giữa rừng võng kẽo kẹt đong đưa.

Tiếng của võng hay giọng hò ơ của người đan nóp

Hò...ơi...gió đẩy gió đưa bông bồn bồn rụng trắng

Thương anh vệ quốc đoàn nay làm giải phóng quân

Nặng vương tình nóp sau lưng

Của người em gái...hò....ơ..

Của người em gái đồng bưng quê....nghèo.…

Vẫn ánh mắt trăng soi dưới vành mũ tai bèo

Nhưng đâu phải kẻ ra đi với người đưa tiễn

Mà nay ta cùng mang võng hành quân

Chữ i tờ học trên nóp để dưới tầm pháo sáng

hôm nay anh lại chép bài hát cho em

Kháng chiến bền lâu càng thấm sâu tình đất nước.

Hát đi em thêm hùng tráng khúc hát thành đồng

CÂU 6:

Tiếng súng im rồi cả nước non độc lập

Sau lễ trầu cau anh lại mang võng ra đi

Chốn biên phòng võng ru anh kẽo kẹt

Mà nghe thương từng chiếc nóp ngày xưa

Có phải giờ này em lại giã bàng đan nóp

Tay nhanh nhanh đưa từng sợi nhớ thương

Ngày xưa đan nóp tặng anh ngày nay đương đệm giành phơi lúa vàng

Lúa nàng tiên đã cùng anh ra trận để mùa này vàng ánh mênh mông

Dẻo cơm hạt lúa no lòng, nảy mầm giữa nóp hương nồng thuỷ chung.

Nam Ai trích đoạn Nắm Cơm Chan Máu

Một trích đoạn rất cảm động trong vở cải lương Nắm Cơm Chan Máu của soạn giả Bạch Diệp - Minh Nguyên.

NÓI LỐI

Nàng kia, hãy lại gần đây.

Dạ tiện nữ xin ra mắt đại nhân!

Nàng tên gì? Tại sao đến đây? Và tại sao ngộ nạn?

NAM AI

Thưa đại nhân, tôi không phải là người ngộ nạn, trái lại...

Tôi đã quyết ý quyên...sinh.

Để chồng tôi khỏi vướng bận kẻ đui mù.

Chồng nàng hiện giờ ở đâu? Và tên họ là gì?

Chồng tôi tên Hồng Trần Ai.

Gia đình ly tán vì hoạ tai.

Trôi dạt đến nơi này.

Thân thuộc chẳng có ai.

Tôi đói đau nên chàng cam lận đận.

Thấy người yêu khổ nhục vì tôi.

Nên tôi quyết tự trầm.

Để chàng khỏi cưu mang.

Hồng Trần Ai cái tên nghe quá lạ.

Này chồng cô có phải tên Hồng Quỳ.

Dạ Hồng Quỳ chết đã lâu rồi.

Và tôi là người vợ của Trần Ai.

Lời vọng cổ Đôi Bờ Mùa Xuân (tác giả Ngô Hồng Khanh)

Lời bài vọng cổ Đôi Bờ Mùa Xuân của tác giả Ngô Hồng Khanh.

Một bài ca cổ rất hay được tác giả Ngô Hồng Khanh soạn với nội dung ca ngợi lịch sử hào hùng của quê hương Thủ Thiêm, cùng với sự hoàn thành của công trình hầm Thủ Thiêm mang ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của thành phố Hồ Chí Minh. Bài ca cổ này từng được thí sinh Nguyễn Minh Hải trình diễn ở vòng chung kết xếp hạng cuộc thi Chuông Vàng Vọng Cổ năm 2013 (hát câu 1256). Phiên bản song ca do nữ NSND Thanh Ngân và NSƯT Lê Tứ (hát câu 156) trình diễn rất ấn tượng. Xin gửi đến quý bạn đọc lời bài ca cổ này.

ĐÔI BỜ MÙA XUÂN

TÁC GIẢ: Ngô Hồng Khanh

NÓI LỐI

Mẹ ngước nhìn trời xanh mênh mông lồng lộng

Sừng sững chọc trời chất ngất những lầu cao

Nhớ câu hát ru xưa trên sóng nước dạt dào

Sài Gòn đó Bến Nghé Thủ Thiêm mưa chờ nắng đợi

Ầu...ơ....bắp non mà nướng lửa lò

Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm

CÂU 1:

Ôi câu hát nao nao mẹ bỗng nhớ con đò nghèo lênh đênh trên bến nước

Sóng đẩy gió đưa bồng bềnh xuôi ngược chèo chống mỏi mê đưa rước khách sang...dòng.

Nhớ câu hát ầu ơ mẹ bỗng chạnh lòng.

Ôi Thủ Thiêm xưa quê nghèo phố thị, mấy mươi năm rồi mẹ lại về đây (-).

Đi giữa phố phường hay đi giữa cơn mơ, đâu bến đò xưa lau lách bụi bờ.

Mẹ bỗng nhớ kiếp người chìm nổi lênh đênh như kiếp đò xưa bồng bềnh sóng nước

CÂU 2:

Mẹ cứ ngỡ trong mơ nhìn đôi bờ sông mênh mông nắng trải gió từ lòng sông hay gió tự lòng người.

Gió chở mùa xuân xuân của cuộc đời.

Đại lộ Đông Tây tấp nập gái trai mùa xuân náo nức, sâu sâu đường hầm nghe hạnh phúc bay lên.(-)

Những nhịp cầu in bóng nước lung linh, soi dòng Bến Nghé như bức tranh xuân lộng lẫy.

Thành phố vào xuân người vui như trẩy hội, mẹ mỉm môi cười sao khoé mắt rưng rưng.

NÓI LỐI:

Vượt hầm Thủ Thiêm mẹ xuyên qua lòng đất

Nhớ năm xưa hầm bí mật mẹ đào

Nhớ chiếc nóp quê nghèo ai đương đệm tiễn người đi

Nhớ câu hát người xưa còn nao nao trong dạ

LÝ ĐƯƠNG ĐỆM

Ngó qua bến chợ Thiêm mà Thủ Thiêm thấy cô em ngồi đương đệm thương càng thương cái giắc ghim, bến sông xưa mưa chờ nắng đợi thương càng thương ơi Thủ Thiêm, nhớ thương ai ngồi đương đệm thương càng thương bến sông xưa thương càng thương bến sông xưa.

CÂU 5:

Chiếc nóp trên vai cũng con đò xưa đưa người đi đuổi...giặc.

Bến Nghé chờ ai đèn ngọn xanh ngọn đỏ Thủ Thiêm chờ ai đèn khi tỏ khi...mờ

Để có hôm nay rạng rỡ mùa xuân thành phố Bác Hồ

Bốn mươi mùa xuân vẹn nghĩa tình sau trước

Để mẹ yên lòng dù cảnh cũ đã đổi thay(-)

Nối bước chân mẹ dạn dày là tuổi trẻ hôm nay.

Năng động hăng say nhiệt tình sáng tạo

Vươn tới chân trời xa vẫn không quên vun đắp dáng đứng thành phố uy nghi trên nền cội vững bền

CÂU 6:

Ôi Bến Nghé Thủ Thiêm mẹ về đây vừa lạ vừa quen vừa thương nhớ ngậm ngùi

Vừa cứ ngỡ trong mơ trào dâng niềm hạnh phúc.

Ơi giữa dòng người xe chiều nay tấp nập, có màu áo xanh tình nguyện sáng niềm tin.

Ấm áp nụ cười trong ánh mắt thanh xuân, đầy đặn nghĩa tình trong nhịp đập trái tim son trẻ.

Sài Gòn xuân xưa xuân thương xuân nhớ thành phố hôm nay rạng rỡ mấy ân tình.

LÝ ĐƯƠNG ĐỆM

Ngó qua bến chợ Thiêm mà Thủ Thiêm nhớ thương ai ngồi đương đệm thương càng thương cái giắc ghim, bến sông xưa mưa sầu nắng đợi đôi bờ nay đón xuân vui đôi bờ nay xanh thắm ước mơ.

Lời bài ca cổ Hoa Điền Thanh

Giới thiệu lời một bài ca cổ rất hay của tác giả Lê Hồng Phương nhưng ít được phổ biến trên internet.

Một bài ca cổ rất hay của tác giả Lê Hồng Phương, được nghệ sĩ Tạ Thiên Tài trình bày rất thành công ở giải tuyển chọn giọng ca cải lương trên sóng truyền hình Long An tổ chức năm 2003. Xin đăng tải lời bài hát để quý khán giả mộ điệu tham khảo.

HOA ĐIỀN THANH
TÁC GIẢ: LÊ HỒNG PHƯƠNG
 
NÓI LỐI
Trời vào thu mưa buồn rơi tí tách
Phố thị nghèo hiu hắt ánh đèn khuya
Giọt thu rơi, giọt lệ sầu trong mắt
Chuyện tình buồn làm mặn đắng bờ môi.
 
VỌNG CỔ
Bên ly cà phê em kể tôi nghe chuyện về tên loài hoa vàng quê mẹ, mà ký ức tuổi thơ em không quên được bao… giờ.
[CÂU 1]: Thuở ấy, Tháp Mười quê em chìm trong mưa lũ trắng đồng….
Nhà nghèo mẹ đi hái bông điên điển, đem bán chợ chiều đổi lấy miếng ăn (-). Sắc thắm màu hoa không ngăn được bướm ong, đến khi hoa kia nhụy rữa hương tàn, ong bướm vội vàng vụt cánh bay xa, bỏ mặc đời hoa dập vùi trong mưa bão(-)
 
NGÂM

Giọt cà phê đắng, nhỏ đều trong câu chuyện
Chuyện tình buồn bên quán nửa khuya
Có nụ hoa vàng nở ra từ đó
Mẹ đặt tên em, tên gọi Điền Thanh.
 
[CÂU 2] Ôm con thơ mẹ trông chờ người tình phụ, ai có hẹn đâu mà mẹ vẫn mong chờ….
Ấp ủ nâng niu một nụ hoa đời….
Mẹ thầm mong sao nụ hoa vàng thêm hương sắc, dẫu đời mẹ nghèo với bao nỗi đắng cay (-). Rồi ước mơ kia chưa kịp thành sự thật, nụ hoa vàng chưa kịp khoe sắc đưa hương. Mẹ đã qua đời sau cơn bạo bệnh, mười bốn tuổi đời em thành đứa cút côi (-)
 
NÓI LỐI
Cơn bão đi qua, nụ hoa vàng còn lại
Kiếp nổi trôi bao sóng gió gập ghềnh
Có đêm nàng tiên hiện ra trong giấc mộng
Chắp cho em đôi cánh diệu kỳ.
 
VỌNG CỔ
Không phải nàng tiên trong mơ bước ra mà những vòng tay cuộc đời nối lại, nâng bước em lên trên sân khấu quê nhà….
[CÂU 5] Lộng lẫy tinh khôi một sắc hoa vàng….
Đời thực đây rồi, vững lòng tin em bước, trên dây xiếc thăng bằng, bước chân sáo nhẹ lướt qua (-).
Giọt thu buồn không còn đẫm trong đáy mắt, giọt sương mai đã lóng lánh sắc hoa vàng. Sân khấu đêm nay đèn hoa lộng lẫy – hoa Điền Thanh – hoa tỏa ngát hương đời (-)

[CÂU 6] Tôi thầm cảm ơn những vòng tay lớn, chắp cho em đôi cánh bay lên, cho vườn xuân thêm đóa hoa điểm sắc, hoa của tình đời, tên gọi Điền Thanh.
Hỡi ai đó! Đừng đùa vui trên nỗi khổ
Hãy yêu thật lòng khi còn một trái tim
Nụ hoa kia là nụ đời còn lại
Hoa Điền Thanh – hoa của đất trong lành (-).
Trong nắng mai hoa cười khoe sắc thắm
Mùa nước về, mùa điên điển trổ bông
Điền Thanh ơi! Tên hoa vàng mẹ đặt
Nhớ nghe em giữ mãi sắc hoa vàng./.
                   
Đồng Tháp Mười, đêm 10/12/2001   

Tòng Phu (KEYO) thể điệu Nam Ai

Bài hát Tòng Phu của ca sỹ KEYO được trình bày theo phong cách đờn ca tài tử thể điệu Nam Ai.

Bài hát Tòng Phu của ca sỹ trẻ KEYO là một hiện tượng âm nhạc của năm 2022. Lời của bài hát này tình cờ lại có thể sắp nhịp để hát điệu Nam Ai trong đờn ca tài tử. Mời các bạn cùng lắng nghe qua phần trình bày của Người Làm Ruộng.

audio-thumbnail
Tong phu nam ai
0:00
/101.472

Tòng Phu - Thể Điệu Nam Ai

Lời: KEYO

Sắp nhịp: Người Làm Ruộng

[CÂU 1] Chính...em

Vì em [Xang ]đã cho anh biết yêu và thương

[CÂU 2] Mà tại sao trớ trêu

Em là gió lướt qua nhanh

[CÂU 3] Để anh đọng lại hơi sương

Hoa mỹ trong câu ca này để một ngày nào kia

[CÂU 4] Con tim em lắng nghe

Nhìn thấy em lao đao

[CÂU 5] Dũng khí nào để anh dang cánh tay

ôm lấy vào quá khó để chăm lo

[CÂU 6] Một người con gái ấm no hạnh phúc đến khi cuối đời

Bởi nghèo quả nhiên là ai cũng thế thôi

[CÂU 7] Chẳng ai chọn cách nắm tay một

người mà quên đi hoàn cảnh trước mắt lầm than

[CÂU 8] Vì quá ngu si hay vì em đã yêu dại khờ

Vì cả tương lai nên là em trả nợ cưu mang.

Lời Vọng Cổ: Tình Phụ Tử (tác giả Quy Sắc)

Lời bài vọng cổ Tình Phụ Tử của tác giả Quy Sắc sáng tác, do nam danh ca NSND Út Trà Ôn trình bày.

Đây là một bài vọng cổ rất ý nghĩa do cố soạn giả Quy Sắc sáng tác, nói lên tâm trạng và tình thương của người cha dành cho đứa con vừa vượt qua cơn bạo bệnh, giữ được mạng sống. Bài vọng cổ này được nam danh ca cố NSND Út Trà Ôn thể hiện rất thành công. Bài hát này viết 6 câu và hiện tại vẫn chưa có video karaoke trên Youtube, rất mong bạn nào có tâm hãy làm karaoke và đăng lên để phổ biến hơn tới nhiều khán thính giả. Xin được chia sẻ lời của bài vọng cổ dưới đây.

LỜI VỌNG CỔ: TÌNH PHỤ TỬ

TÁC GIẢ: QUY SẮC

TRÌNH BÀY: NSND ÚT TRÀ ÔN

NÓI LỐI:
Con ơi, khi ba viết những dòng này,
Con chưa hiểu điều chi cả,
Vì tuổi con vừa chín tháng có hơn.
Ba hy vọng ngày con lớn con khôn,
Đọc được nó để hiểu lòng cha mẹ.

VỌNG CỔ:
Giọt mực lòng của ba bắt đầu tuôn chảy sau khi con vừa qua cơn bạo bệnh nguy... nàn.

[CÂU 1]: Và cũng sau khi ba trút nỗi kinh hoàng. Ngòi bút dệt tình ba trên trang giấy trắng, giữa tư bề vắng lặng của đêm khuya. Con ơi, biết văn chương nào tả hết tình thương con lúc bất tỉnh mê man. Hơi thở con thoi thóp yếu dần, giữa bao nhiêu dòng lệ của gia đình tuôn chảy...

[CÂU 2]: Ba ôm cứng con giữa rừng người đang réo tên con rùng rợn, như hợp lực nhau đánh đuổi tử thần. Còn miệng ba thì cứng lại, lơ lửng cả xác hồn. Nhìn mặt con, ba cố thu hình ảnh vì sợ con không còn nữa để ba thương. Bỗng dưng con khóc; trời ơi, ai đo được sự mừng của ba trong lúc ấy. Rồi con từ từ mở mắt nhìn ba, ba đây mừng cho đến lệ tuôn sa...

[CÂU 3]: Con ơi, có phải chăng cái nhìn của con ngụ ý van cầu ba tiếp hơi thở cho con. Tiếng khóc con là bầu trời xán lạn, chính con đã ban bố cho ba. Chừng ấy, ba mới hoàn hồn tỉnh táo, ôm con vào bệnh viện để mà cứu chữa cho con. Ba chăm chú nhìn sự biến thay trên mặt của bác sĩ dò bệnh cho con. Ba sợ người lắc đầu thất vọng hoặc chép miệng chau mày.

LỐI THƠ:
Bác sĩ cho con nằm trong phòng lạnh,
Người ta dùng dưỡng khí tiếp hơi con.
Ba đứng bên ngoài cửa kiếng nhìn sang,
Tim ba đập tùy theo tim con đập.

VỌNG CỔ:
Bên trong con thở mạnh, bên ngoài ba thở mạnh. Con yếu hơi, ba nghe như nghẹt thở tim... hồng.

[CÂU 4]: Ba nghe toàn châu thân nó lạnh ngắt như đồng. Bản tính ba không tin huyền hoặc, nhưng vẫn lầm thầm van vái cho con. Sau này con được làm cha mẹ, con sẽ hiểu bây giờ ba đau đớn dường bao. Ước chi ngày ấy ba còn sống để nghe con đọc những trang này.

[CÂU 5]: Ban đêm luật nhà thương không cho ba ở lại, chỉ có mình má con phải thức suốt bên giường. Ba ra về cúi đầu đếm bước như đếm lo lắng ở trong hồn. Muôn ám ảnh chập chờn trong trí não, ba nằm nhà nhưng tất dạ bôn chôn. Ba nhìn đêm tối mong trời mau sáng, sáng ba vào thăm con với muôn nỗi phập phồng. Ba không can đảm nhìn con trước, chỉ nhìn má con mà ngầm hiểu chuyện xảy trong đêm rồi.

[CÂU 6]: Nụ cười của má con điểm trên gương mặt xanh xao, hốc hác, quét sạch nỗi lo âu của ba mang nặng trong đêm qua. Trời thương con buộc thần chết phải tha, con được sống để cho ba nâng niu, trìu mến. Con ơi, ba yêu cầu con đừng thầm hiểu ba kể công mà tội nghiệp cho kẻ sanh thành. Có người cha nào kể công với con cái, chỉ có con cái mới kể công cán với cha. Ba chỉ mong con xem đây là bài học, con biết thương con của con trong những lúc sau này.

0:00
/6:07