câu 4
Xin chia sẻ với quý độc giả lời bài tân cổ giao duyên rất dễ thương nằm trong album Tình Xuân 3 với sự trình bày của 3 nữ ca sỹ xinh đẹp Thùy Trang, Hà Phương và Yến Khoa (nghệ danh cũ của ca sỹ Hoàng Châu). Đây là một trong những bài tân cổ giao duyên hiếm hoi có đủ 6 câu.
MỜI ANH VỀ THĂM QUÊ EM
Tân nhạc: Thùy Linh
Lời vọng cổ: Minh Tân
TÂN NHẠC
Bình minh sáng tươi quê em ruộng lúa bao la đầy đồng
Gió nhè nhẹ lay ngả nghiêng cành lúa trổ bông
Bờ đê đọng sương ướt mướt
Trời xanh nhởn nhơ chim ca
Líu lo tung tăng nắng mai chan hòa
Ơi hò ơi hò ơi ơi hò ơi
Em mời anh ghé thăm chốn đây một lần
Mời mời anh về quê em
Có tiếng ca đậm tình
Tiếng ca trìu mến đậm tình quê hương
Mời anh đến thăm quê em mùa lúa chín vui rộn ràng
Tiếng hò hò lơ ngày vui gặt hái rền vang
Đẹp áo bà ba trắng xóa
Bàn tay dịu dàng nhanh nhanh
Cắt nhánh lúa thơm ngát hương hai mùa
Ơi hò ơi hò ơi ơi hò ơi
Vui là vui bước em trĩu nặng đường về
Nhịp nhàng khoan hò khoan khoan
Gánh lúa nhanh về làng
Những đêm trời sáng nhịp chày khua vang
Những đêm trời sáng nhịp chày khua vang
Những đêm trời sáng...nhịp chày khua vang.
VỌNG CỔ
CÂU 1
Ánh nắng lung linh trải dài trên đồng lúa đang mùa đươm bông nở rộ...
Ngọn gió heo may nhẹ lay xào xạc như âm vang khúc hát ân...tình.
Sông nước phù sa vun đắp đôi bờ
Nghiêng bóng nước hàng dừa thơ mộng, anh hãy một lần dừng lại Bến Tre
Sẽ không quên người em gái thơ ngây, áo trắng bà ba tóc xõa vai gầy.
Điểm nụ cười cho đôi má thêm duyên, nón lá nghiêng vành qua cầu tre lắc lẻo.
CÂU 2
Đây những chiếc bánh do tay em gói, dậy sớm thức khuya quạt lửa canh nồi.
Bánh lá gói đậu xanh thơm béo nước dừa.
Hạt nếp trắng trong thơm nồng lá dứa, ngon ngọt đậm đà hương vị miền quê.
Anh hãy một lần dừng lại quê em, cảm thông được tình người chơn chất.
Chợt bỗng dưng em thẹn thùng cúi mặt, có lẽ tại vì anh đắm đuối nhìn em.
CÂU 3
Dân quê em thật lòng mến khách, dù người xa lạ chân trời góc biển.
Vẫn xem dường như đã thân quen, phiên chợ đông bao người tấp nập.
Trên bến dưới thuyền rộn rã tiếng cười vui, lời đã ngọt xin anh đừng từ chối.
Người tạm gác hành trang xin dừng bước lại, ngắm phong cảnh hữu tình miền sông nước quê em.
Anh hãy trút bụi đường vai áo, dạo lúc chợ đông vui như trẩy hội xuân về
TÂN NHẠC
Ơi hò ơi hò ơi ơi hò ơi
Em mời anh ghé thăm chốn đây một lần
Mời mời anh về quê em
Có tiếng ca đậm tình
Tiếng ca trìu mến đậm tình quê hương
Mời anh đến thăm quê em mùa lúa chín vui rộn ràng
Tiếng hò hò lơ ngày vui gặt hái rền vang
Đẹp áo bà ba trắng xóa
Bàn tay dịu dàng nhanh nhanh
Cắt nhánh lúa thơm ngát hương hai mùa
Ơi hò ơi hò ơi ơi hò ơi
Vui là vui bước em trĩu nặng đường về
Nhịp nhàng khoan hò khoan khoan
Gánh lúa nhanh về làng
Những đêm trời sáng nhịp chày khua vang
VỌNG CỔ
CÂU 4
Đêm sáng trăng thanh lấp lánh trời cao muôn vì tinh tú.
Trầm bỗng khua vang tiếng chày gõ nhịp thương quá quê hương đất rộng sông...dài
Một nắng hai sương tay lấm chân bùn.
Đổ giọt mồ hôi trên đồng ruộng lúa, cuộc sống thanh bần nhưng trăng sáng vô tư.
Mùa lúa vàng đồng hòa tiếng hát miên man, mỗi hạt lúa là niềm vui chan chứa.
Cuộc sống yên vui nơi miền quê lai láng, cây trái xanh tươi trĩu nặng trên cành.
CÂU 5
Trên mảnh đất quê em trải rộng, Chợ Lách Mỏ Cày Bình Đại Ba Tri.
Rồi ngược xuôi Châu Thành Thạnh Phú, tiếng hát hò vàng mùa gặt hái đong đầy.
Tiếng sáo du dương của trẻ mục đồng.
Cảnh vật như thơ khi chiều nhạt nắng, quyện khói lam chiều bên bếp lửa nhà tranh
Một chiếc thuyền ngư phủ giăng câu, cánh cò trắng tìm về nơi tổ ấm.
Đẹp biết bao quê hương em bình dị, tha thiết mời anh với cả chung tình.
LÝ CÁI MƠN
Về Giồng Trôm, người đi vẫn nhớ.
Phảng phất vương môi ngọt ngào đắm say hồn ai
Sẽ không quên lần đã nếm hương thơm kẹo dừa
Quà anh mua gửi về người thân, quê Bến Tre nơi nào hơn.
Nơi xứ dừa nức danh tiếng kẹo dừa ngon.
Mùa sâu riêng vườn cam nhãn chín, nếm thử đi anh cây vườn Cái Mơn oằn sai.
Suốt quanh năm vườn cho trái chín ngon tuyệt vời.
Bờ đê xanh nối về làng quê, vang tiếng ai đùa vui.
Cô gái làng gánh đôi lúa nặng oằn vai.
CÂU 6
Bến Tre có hàng dừa đang nghiêng mình soi bóng, như vầng thơ dành tô điểm cho đời.
Đón anh đến với quê em, xứ dừa trĩu nặng lúa đồng chín thơm.
Tình quê nồng thắm thiết tha, mời anh bánh lá gói lòng nhớ thương.
Xin gửi tới quý độc giả lời bài vọng cổ rất hay của soạn giả Kiên Giang, từng được nữ danh ca Thanh Nga trình bày rất thành công.
Khi Rừng Sim Thay Lá
Tác giả: Kiên Giang
NÓI LỐI
Rừng sim thay lá non rồi
Hiu hiu gió bấc sụt sùi lòng em
Em là sơn nữ rừng sim tím
Gùi trái sim bán chợ kinh kỳ
Em đã yêu tráng sĩ tự bao ngày
Khi nhớ người em thổi khèn sơn cước.
VỌNG CỔ
CÂU 1
Khi tiếng khèn giữa đồi sim vừa dứt, em thoáng mơ qua ánh lửa bóng… ai… về…
Treo chiếc khèn lên phênh vách, em vội bước ra hè.
Em ngỡ người tráng sĩ của lòng em, vừa buộc cương ngựa ở cầu thang. (-)
Nhưng khi ánh lửa bừng lên, sáng soi miền sơn dã.
Em chỉ thấy mấy chiếc lá kè đong đưa, như nếp quân kỳ tung bay trong gió.
CÂU 2
Đồi sim đã thay sắc tím mấy hôm rồi.
Chiều chiều cỡi ngựa lên đồi. Lặng nhìn khói lá thành mây trên trời.
Lòng em nương giữa khói mây. Cho chàng nhìn thấy khói quê mà tìm. (-)
Tìm người ở đỉnh đồi sim. Chiều chiều cỡi ngựa đợi tin quân về.
Hoa sim đã nở tím đồi. Nhưng không ai hái để cài tóc em.
NÓI LỐI
Ngày đi anh hẹn khi rừng thay lá
Sẽ trở về ấp ủ đóa hoa rừng
Quét lá khô em nhúm lửa hồng
Nhưng không sưởi ấm lòng băng giá
VỌNG CỔ
CÂU 4
Vì mấy phen rừng sim thay lá, mà tráng sĩ xông pha muôn dặm… chưa… về….
Em là sơn nữ còn thơ, anh là tráng sĩ kinh kỳ.
Người sơn nữ vốn mộc mạc ngây thơ, khi đã yêu thì yêu đậm đà tha thiết. (-)
Nhưng em có biết người miền Kinh, có thật tình yêu sơn nữ.
Hay mải mê bóng sắc gái giàu sang, rồi phụ rẫy đóa hoa rừng.
CÂU 5
Em không phải là nàng Tô Thị trông chồng
Hóa thành hình đá vọng phu, nhưng nếu chàng phụ rẫy đóa hoa rừng.
Thì em sẽ lên đỉnh đồi sim, mà khóc một mối tình tan vỡ
bằng dòng huyết lệ. Cho đến khi nào niềm đau khổ, biến em thành đá vọng phu (-)
Rồi một chiều hành quân qua thôn bản cũ, anh sẽ xuống ngựa.
Ở đồi sim xưa để chiêm bái tượng đá của người sơn nữ chung tình.
CÂU 6
Vì quá nhớ thương em mới mơ ước hão huyền. Chứ em vẫn biết người tráng sĩ miền Kinh.
Vẫn yêu âm thầm sơn nữ rừng sim. Nhưng vì nợ nước, vì nạn sứ quân
Chàng còn xông lướt giữa đám ba quân. Nhưng mấy mùa rừng thay lá.
Anh vẫn chống gươm bên phiến đá mơ bóng hình em trong khói lam chiều (-)
Tình em gởi áng mây trôi. Khi rừng thay lá nhớ ai sa trường.
Em tuy là đóa hoa rừng. Chỉ yêu tráng sĩ anh hùng Việt Nam.
Một bài vọng cổ rất hay của tác giả Phạm Ngọc Phú nói về việc gìn giữ tình mẹ của những người con xa xứ qua câu hát, lời ru ngọt ngào thuở ấu thơ.
NÓI LỐI
Tôi đã gặp một bà mẹ trẻ giữa trưa hè ru con thơ bằng điệu nhạc loạn cuồng của miền Nam Mỹ xa xôi.
Và tôi cũng đã mấy lần dự cuộc tiễn đưa những người bạn tôi ra sân bay đi đoàn tụ.
Vậy mà trên tay họ vẫn còn trân trọng nâng niu cây đàn tranh xứ sở.
CÂU 1:
Hai điều đó đã làm cho tôi suy nghĩ, bạn ơi bạn sẽ là ai nếu không còn thương mẹ.
Sẽ ra sao khi xa lạ với ngôn ngữ quê hương bằng điệu lý câu...hò.
Sẽ về đâu khi bến vắng đợi con đò.
Để khi lớn khôn bạn không hề trống vắng, một tình mẹ tuyệt vời từ những lời ru.
Mẹ dạy vui buồn thương ghét giữa nhân gian từ buổi sơ sinh cho tới lúc trưởng thành.
Một ngọn nguồn đã khơi dậy từ đâu, từng điệu hát đơn sơ mà mênh mông dàn trải…
CÂU 2:
Ầu...ơ...con chim se sẻ nó đẻ trên cột đình
Bà ngoại đẻ má, má đẻ mình bạn ơi
Gian khổ hay giàu sang mỗi cuộc đời riêng tấm áo nhưng vẫn chung một nguồn cội quê nhà.
Xứ sở thiêng liêng bởi nhân nghĩa đậm đà.
Bạn ơi câu hát ru hay tiếng đàn tranh thổn thức bạn có ấm lòng nơi đất lạ trời xa.
Hãy biết ơn những câu hát ầu ơ những cung điệu quê hương mênh mông sâu lắng
Ai nỡ lãng quên và ai còn mang nặng để xa cách cũng gần mà tình mẹ lại đành xa.
NÓI LỐI
Thiên chức thanh cao thuộc về người mẹ
Trải cuộc đời với muối mặn gừng cay
Để cho con có vị ngọt của đời
Và hơn nữa một quê hương rất thật
CÂU 4:
Tìm đâu thấy trong những âm vang xa lạ, những hình ảnh quê hương cho con trẻ biết tôn...thờ
Biết trân trọng nâng niu từng chữ từng lời.
Bạn ơi có khi nào nghe lòng day dứt, khi tiếng đàn bầu nó trỗi điệu Nam Ai
Và khi bạn nếm hương vị lạ xa, chắc cũng không hơn được cái đậm đà của xứ sở
Không thể có mùi hương cau nhè nhẹ và hơi thở Việt Nam nơi xứ lạ quê người.
CÂU 5:
Điều gì đã khiến cho ai kia không nhớ nổi một lời ru, nhưng lại rất thuộc những bài ca du nhập.
Có phải chăng vì quê hương còn nghèo khó nên quay mặt đi với cung điệu quê nhà.
Để tìm kiếm ở nơi xa một tình cảm đậm đà.
Ai ơi nếu chưa ấm trái tim quê mẹ thì làm sao tìm được chút tình chân thật của người ta.
Cái nghèo nó buộc ta phải trông rộng nhìn xa, phải vươn tới nhưng xin đừng phụ bạc.
Manh áo cũ còn có ngày thay mới, còn tình nghĩa thì muôn thuở phải vun bồi.
CÂU 6:
Mỗi câu hát lời ru là một dòng suối mát, tuôn chảy ngàn đời sông biển mới mênh mông
Mình phải thương cái e thẹn ngại ngùng khi có người lỡ hát sai đàn lỗi nhịp.
Hãy hiểu cho nỗi lòng tha hương hoài vọng bằng câu hát tiếng đàn từ nguồn cội mang theo.
Đã thường tình chuyện kẻ ở người đi nhưng rất hiếm những cung điệu quê nhà nơi đất khách.
Xa mặt cách lòng mình đâu dám trách nhưng buồn hay lo khi thiếu đi một tình mẹ ru hời.
Bạn nhé bao giờ mình cũng hướng tới ngày mai nhưng xin hãy thương mẹ và nhớ ơn những lời ru sâu lắng.
Ầu...ơ...tay bưng dĩa muối chấm gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau.
Lời Vọng Cổ: Tình Phụ Tử (tác giả Quy Sắc)
Lời bài vọng cổ Tình Phụ Tử của tác giả Quy Sắc sáng tác, do nam danh ca NSND Út Trà Ôn trình bày.
Đây là một bài vọng cổ rất ý nghĩa do cố soạn giả Quy Sắc sáng tác, nói lên tâm trạng và tình thương của người cha dành cho đứa con vừa vượt qua cơn bạo bệnh, giữ được mạng sống. Bài vọng cổ này được nam danh ca cố NSND Út Trà Ôn thể hiện rất thành công. Bài hát này viết 6 câu và hiện tại vẫn chưa có video karaoke trên Youtube, rất mong bạn nào có tâm hãy làm karaoke và đăng lên để phổ biến hơn tới nhiều khán thính giả. Xin được chia sẻ lời của bài vọng cổ dưới đây.
LỜI VỌNG CỔ: TÌNH PHỤ TỬ
TÁC GIẢ: QUY SẮC
TRÌNH BÀY: NSND ÚT TRÀ ÔN
NÓI LỐI:
Con ơi, khi ba viết những dòng này,
Con chưa hiểu điều chi cả,
Vì tuổi con vừa chín tháng có hơn.
Ba hy vọng ngày con lớn con khôn,
Đọc được nó để hiểu lòng cha mẹ.
VỌNG CỔ:
Giọt mực lòng của ba bắt đầu tuôn chảy sau khi con vừa qua cơn bạo bệnh nguy... nàn.
[CÂU 1]: Và cũng sau khi ba trút nỗi kinh hoàng. Ngòi bút dệt tình ba trên trang giấy trắng, giữa tư bề vắng lặng của đêm khuya. Con ơi, biết văn chương nào tả hết tình thương con lúc bất tỉnh mê man. Hơi thở con thoi thóp yếu dần, giữa bao nhiêu dòng lệ của gia đình tuôn chảy...
[CÂU 2]: Ba ôm cứng con giữa rừng người đang réo tên con rùng rợn, như hợp lực nhau đánh đuổi tử thần. Còn miệng ba thì cứng lại, lơ lửng cả xác hồn. Nhìn mặt con, ba cố thu hình ảnh vì sợ con không còn nữa để ba thương. Bỗng dưng con khóc; trời ơi, ai đo được sự mừng của ba trong lúc ấy. Rồi con từ từ mở mắt nhìn ba, ba đây mừng cho đến lệ tuôn sa...
[CÂU 3]: Con ơi, có phải chăng cái nhìn của con ngụ ý van cầu ba tiếp hơi thở cho con. Tiếng khóc con là bầu trời xán lạn, chính con đã ban bố cho ba. Chừng ấy, ba mới hoàn hồn tỉnh táo, ôm con vào bệnh viện để mà cứu chữa cho con. Ba chăm chú nhìn sự biến thay trên mặt của bác sĩ dò bệnh cho con. Ba sợ người lắc đầu thất vọng hoặc chép miệng chau mày.
LỐI THƠ:
Bác sĩ cho con nằm trong phòng lạnh,
Người ta dùng dưỡng khí tiếp hơi con.
Ba đứng bên ngoài cửa kiếng nhìn sang,
Tim ba đập tùy theo tim con đập.
VỌNG CỔ:
Bên trong con thở mạnh, bên ngoài ba thở mạnh. Con yếu hơi, ba nghe như nghẹt thở tim... hồng.
[CÂU 4]: Ba nghe toàn châu thân nó lạnh ngắt như đồng. Bản tính ba không tin huyền hoặc, nhưng vẫn lầm thầm van vái cho con. Sau này con được làm cha mẹ, con sẽ hiểu bây giờ ba đau đớn dường bao. Ước chi ngày ấy ba còn sống để nghe con đọc những trang này.
[CÂU 5]: Ban đêm luật nhà thương không cho ba ở lại, chỉ có mình má con phải thức suốt bên giường. Ba ra về cúi đầu đếm bước như đếm lo lắng ở trong hồn. Muôn ám ảnh chập chờn trong trí não, ba nằm nhà nhưng tất dạ bôn chôn. Ba nhìn đêm tối mong trời mau sáng, sáng ba vào thăm con với muôn nỗi phập phồng. Ba không can đảm nhìn con trước, chỉ nhìn má con mà ngầm hiểu chuyện xảy trong đêm rồi.
[CÂU 6]: Nụ cười của má con điểm trên gương mặt xanh xao, hốc hác, quét sạch nỗi lo âu của ba mang nặng trong đêm qua. Trời thương con buộc thần chết phải tha, con được sống để cho ba nâng niu, trìu mến. Con ơi, ba yêu cầu con đừng thầm hiểu ba kể công mà tội nghiệp cho kẻ sanh thành. Có người cha nào kể công với con cái, chỉ có con cái mới kể công cán với cha. Ba chỉ mong con xem đây là bài học, con biết thương con của con trong những lúc sau này.