Skip to content

câu 2

Lời Vọng Cổ: Khi Rừng Sim Thay Lá

Xin gửi tới quý độc giả lời bài vọng cổ rất hay của soạn giả Kiên Giang, từng được nữ danh ca Thanh Nga trình bày rất thành công.

Khi Rừng Sim Thay Lá

Tác giả: Kiên Giang

NÓI LỐI

Rừng sim thay lá non rồi

Hiu hiu gió bấc sụt sùi lòng em

Em là sơn nữ rừng sim tím

Gùi trái sim bán chợ kinh kỳ

Em đã yêu tráng sĩ tự bao ngày

Khi nhớ người em thổi khèn sơn cước.

VỌNG CỔ

CÂU 1

Khi tiếng khèn giữa đồi sim vừa dứt, em thoáng mơ qua ánh lửa bóng… ai… về…

Treo chiếc khèn lên phênh vách, em vội bước ra hè.

Em ngỡ người tráng sĩ của lòng em, vừa buộc cương ngựa ở cầu thang. (-)

Nhưng khi ánh lửa bừng lên, sáng soi miền sơn dã.

Em chỉ thấy mấy chiếc lá kè đong đưa, như nếp quân kỳ tung bay trong gió.

CÂU 2

Đồi sim đã thay sắc tím mấy hôm rồi.

Chiều chiều cỡi ngựa lên đồi. Lặng nhìn khói lá thành mây trên trời.

Lòng em nương giữa khói mây. Cho chàng nhìn thấy khói quê mà tìm. (-)

Tìm người ở đỉnh đồi sim. Chiều chiều cỡi ngựa đợi tin quân về.

Hoa sim đã nở tím đồi. Nhưng không ai hái để cài tóc em.

NÓI LỐI

Ngày đi anh hẹn khi rừng thay lá

Sẽ trở về ấp ủ đóa hoa rừng

Quét lá khô em nhúm lửa hồng

Nhưng không sưởi ấm lòng băng giá

VỌNG CỔ

CÂU 4

Vì mấy phen rừng sim thay lá, mà tráng sĩ xông pha muôn dặm… chưa… về….

Em là sơn nữ còn thơ, anh là tráng sĩ kinh kỳ.

Người sơn nữ vốn mộc mạc ngây thơ, khi đã yêu thì yêu đậm đà tha thiết. (-)

Nhưng em có biết người miền Kinh, có thật tình yêu sơn nữ.

Hay mải mê bóng sắc gái giàu sang, rồi phụ rẫy đóa hoa rừng.

CÂU 5

Em không phải là nàng Tô Thị trông chồng

Hóa thành hình đá vọng phu, nhưng nếu chàng phụ rẫy đóa hoa rừng.

Thì em sẽ lên đỉnh đồi sim, mà khóc một mối tình tan vỡ

bằng dòng huyết lệ. Cho đến khi nào niềm đau khổ, biến em thành đá vọng phu (-)

Rồi một chiều hành quân qua thôn bản cũ, anh sẽ xuống ngựa.

Ở đồi sim xưa để chiêm bái tượng đá của người sơn nữ chung tình.

CÂU 6

Vì quá nhớ thương em mới mơ ước hão huyền. Chứ em vẫn biết người tráng sĩ miền Kinh.

Vẫn yêu âm thầm sơn nữ rừng sim. Nhưng vì nợ nước, vì nạn sứ quân

Chàng còn xông lướt giữa đám ba quân. Nhưng mấy mùa rừng thay lá.

Anh vẫn chống gươm bên phiến đá mơ bóng hình em trong khói lam chiều (-)

Tình em gởi áng mây trôi. Khi rừng thay lá nhớ ai sa trường.

Em tuy là đóa hoa rừng. Chỉ yêu tráng sĩ anh hùng Việt Nam.

Lời Vọng Cổ Mai Xa Rừng Em Có Nhớ Gì Không

Lời vọng cổ bài ca Mai Xa Rừng Em Có Nhớ Gì Không. Đây là một bài ca được nữ nghệ sĩ Diễm Thu trình bày rất thành công.

Sáng tác nhạc : Vũ Lang

Thơ: Song Hảo

Lời vọng cổ: Lê Sơn

NHẠC

Mai xa rừng em có nhớ gì không?

Câu hỏi đơn sơ sao làm em bối rối.

Nếu không cùng anh đi dọc đường biên giới, em đâu hay rừng nhiều hoa thơm...

Mai xa rừng em biết nói gì đây?

Nghe nhớ bâng khuâng bao chiều mưa biên giới.

Khi bóng quân đi nghe xôn xao lá rừng.

Trong tiếng hạt mưa rơi, ai hát bài ca vui... Sao nhớ hoài anh... ơi...

VỌNG CỔ

CÂU 1

Nếu không đi cùng anh trong chiều mưa biên giới, không để gai vướng chân và cỏ may đan áo em đâu hay rừng lắm hoa thơm ngào ngạt... lưng… đồi...

Câu hỏi đơn sơ sao lòng em xúc động bồi hồi.

Nhớ đoàn quân đi trong đêm ba lô nặng trĩu. Nghe xôn xao lá rừng chào đón tiễn đưa. (-)

Những giọt mưa thành nốt nhạc trên lưng, người chiến sĩ hát bài ca ra trận.

Cho cuộc đời mát dịu xanh trong, cho tình yêu lứa đôi hồng tươi sắc thắm.

CÂU 2

Em biết nói gì đây

Khi xa rừng có nhiều hoa thơm bóng mát, có con suối xanh trong dào dạt tình đời.

Con suối nhận mang đi rồi trả lại về nguồn.

Những tình yêu quê hương đất nước, những bông lúa vàng oằn nặng đôi vai. (-)

Nghe tiếng chim rừng hót mê say, để lòng em vướng va vấn vít.

Biết nói gì đây chỉ một lần, môt lần gặp gỡ sao nhớ hoài anh ơi...

NHẠC

Có phải anh bóng mát của rừng, nơi chở che bao dung thầm lặng.

Từng cụm hoa mai nhạt, con suối mến thương, cho tiếng chim về hót mê say.

Mai xa rừng em có nhớ gì không? Sao câu hỏi cứ đan hoài trong trí.

Như bông cỏ may giữ chân người ở lại, em biết nỗi nhớ rừng hay nỗi nhớ ai.

Em biết nỗi nhớ rừng hay nỗi nhớ... ai…

Em biết nỗi nhớ rừng hay nỗi nhớ... ai…

CÂU 5

Anh ơi có phải anh là bóng mát của rừng để cho bao cuộc đời trú mưa trú nắng, như mái nhà yêu thương thầm lặng...yên... lành.

Thầm lặng bao dung mà sâu nặng nghĩa tình.

Anh là con suối mát trong cho bao cuộc đời tắm mát, là con sông hiền hòa chở nước ngọt phù sa. (-)

Em nghe trong lòng rộn rã khúc dân ca, hát về người chiến sĩ ngày đêm đi giữ nước.

Nhớ cánh rừng nhớ từng con suối nhỏ, nhớ chùm hoa sim tím ấm chân trời.

NHẠC

Mai xa rừng em có nhớ gì không? Sao câu hỏi cứ đan hoài trong trí.

Như bông cỏ may giữ chân người ở lại, em biết nói nhớ rừng hay nỗi nhớ ai.

Em biết nói nhớ rừng hay nỗi nhớ ai.

CÂU 6

Câu hỏỉ cứ làm em bối rối, nghe bồi hồi nhớ nhớ thương thương.

Tiếng chim rừng cứ vui hót mê say, từng cánh hoa chớm nở giữa lưng đồi. (-)

Thương anh nhiều em biết nói gì đây? Để ngày mai em rời xa biên giới, trở lại quê hương với lòng mong đợi.

Nhớ một chiều nào mình soi bóng... bên nhau./.

Lời vọng cổ Màu Hoa Tím Bâng Khuâng

Một bài vọng cổ rất hay của tác giả Trần Xuân Linh nói về tình yêu đôi lứa một thời cơ cực, qua hình ảnh hoa lục bình, đồng ruộng quê nghèo , dòng kinh Lâm Trung Thiên...

Nghệ sĩ Trọng Hữu đã trình bày bài ca cổ này rất thành công, nhưng hiện nay bài ca cổ này ít được biết tới.

MÀU HOA TÍM BÂNG KHUÂNG

Tác giả: Trần Xuân Linh

NÓI LỐI

Hoa lục bình cũng lá xanh và màu hoa tím

Mà ai gọi là hoa bâng khuâng

Để gợi lòng tôi bao niềm nhung nhớ

CÂU 1

Nhớ cái xóm Lâm Trung Thiên ngày xưa buồn heo hút nhớ bờ đập đầu kinh con nước đôi bờ bên cao bên thấp.

Có mái lá đơn sơ dưới tàn đước và người con gái bên sông để tôi ôm ấp nỗi niềm riêng cùng kỷ vật em trao ngày ấy quá thân...tình

Có gì đâu chỉ một cành hoa tím lục bình.

Chiều ở ruộng về tôi ghé xuồng qua đập, em quá giang rồi để lại một cành hoa. (-)

Nhà hai đứa đôi bờ chớ phải xa đâu, bụng để ý mà lòng chẳng biết làm sao nói.

Từ chiều ấy em trao cành hoa tím bâng khuâng, để anh chợt nghe lòng lâng lâng thương nhớ.

CÂU 2

Nhưng giặc Mỹ kéo về xóm nhỏ Lâm Trung Thiên, chúng ruồng bố rồi đốt mái nhà yêu dấu.

Cụm đước rùng mình theo những tiếng gươm đao, dòng kinh nhỏ phủ mờ khói trắng.

Không thấy đôi bờ và nhịp cầu nhỏ qua kinh.

Nghe tiếng mẹ sụt sùi bởi chìm trong khói lửa, nhưng mái tranh còn đâu nữa giữa tro tàn...

Lòng bỗng rưng rưng khi nhìn mắt mẹ lệ thắm đôi hàng.

Rồi lối xóm dựng lại mái nhà đơn sơ ấy, để che cho mẹ khỏi nắng mưa mà chờ đợi người xa. (-)

Cha chưa về nhưng cũng được tin, thơ dặn mẹ cứ yên lòng chờ đợi.

Và anh nghe lòng dâng nỗi buồn vời vợi, chúng đã đốt của anh rồi cành hoa tím bâng khuâng.

NÓI LỐI

Bờ đập Lâm Trung Thiên cũng con nước đôi bờ bên cao bên thấp

Cụm đước năm xưa còn đây quanh ngôi nhà lưu luyến

Ngói đỏ chang chang giữa nắng hè

Cũng hoa lục bình tim tím dọc bờ kinh

Chỉ một nhịp cầu qua sông ai chưa bắc

CÂU 5

Bốn năm xa quê với nỗi niềm riêng ngày xưa trăn trở để ngày về nghe ấm áp niềm vui trong lời mẹ kể.

Thôn xóm rầm ran trong mùa gặt hái có bóng ai qua trên bờ kinh ấy cho tôi mơ dáng người xưa và một cành hoa tím...hôm...nào.

Xóm nhỏ tôi ơi những năm xa lòng vẫn nghe thương nhớ rạt rào.

Để thầm trách mình sao ngày xưa không nói, không biết em có nhớ về những lúc xa nhau.

Mẹ nói ngày con lên đường rồi mấy tháng sau, nó từ giã mẹ đi làm liên lạc.

Rồi sau giải phóng nó về trên công tác, khi hỏi thăm con đôi mắt cứ ngập ngừng.

CÂU 6

Ôi cánh hoa lục bình màu tím đơn sơ bồng bềnh trôi giữa đôi bờ thương nhớ.

Có ai gọi cánh hoa vừa đi vừa nở, tôi chỉ nghe lòng trăn trở bâng khuâng.

Cúm núm kêu chiều rồi mấy bận, mẹ còn bơi xuồng vớt lục bình bón ruộng Thần Nông.

Mùa gọi mùa hai vụ lúa oằn bông, xóm nhỏ Lâm Trung Thiên chung lòng vào hợp tác.

Thấy mùa vui anh mơ ngày hai đứa chào cô bác và gọi tên em thuyền ơi ngày hạnh phúc đôi mình. (-)

Chờ nhau hoài ngày vui ta có nhau, áo cưới em may tím màu hoa lục bình xưa ấy.

Có giặc nào ngăn lòng ta thương nhớ, nhớ nhau hoài dù xa cách vẫn gần nhau.

Lời Tân Cổ Cần Đước Quê Em (t/g Nguyễn Minh Tuấn)

Một bài ca cổ rất hay viết về quê hương Cần Đước được sáng tác bởi tác giả Nguyễn Minh Tuấn, xin chia sẻ đến quý độc giả.

Lời Ca Cổ Cần Đước Quê Em

NÓI LỐI

Anh xuôi Vàm Cỏ Đông về quê em Long Hựu

Cửa biển dạt dào con sóng vỗ triền miên

Long Hựu quê em Hựu Lộc Mỹ Điền

Gởi bao nỗi nhớ niềm thương dâng đầy...

PHỤNG HOÀNG

Tôi cứ thẫn thờ trong nỗi...nhớ...mong...

Tiếng sóng vỗ về như lòng ai đó

Gió chở mây về khung trời tím đỏ.

Hoàng hôn xế tàn, trăng rụng đáy sông sâu...

Anh tìm suốt đêm thâu, tóc trắng pha sương hay sương trắng mái đầu.

Về đến quê em lòng vui khôn tả...

Cần Đước Chợ Đào đã vào nhạc vào thơ...

Trăng sáng đêm nay trăng sáng tương lai trăng sáng cuộc đời.

Thôn xóm đông vui muôn nẻo đường về

Đồng ruộng vuông tôm trên đồng như trẩy hội.

Cuộc sống bộn bề tình nặng nghĩa sâu

Ngày nắng đêm sương trên cánh đồng Long Hựu

Sức trẻ hiến dâng hương sắc quê nhà

Cuộc sống tương lai thêm tươi đẹp cuộc đời...

CÂU 1

Câu hát ngày xưa đã đưa tôi về kỷ niệm

Long Hựu ơi lòng tôi lưu luyến nhớ quê hương qua từng cơn sóng...dâng...trào...

Biển quê hương có tình em đằm thắm dạt dào...

Thương Long Hựu xanh tươi từng nhịp thở, nghĩa xóm tình làng nặng chữ sắt son. (-)

Thương người đi xa về xây dựng lại quê hương, đã thắm máu xương của ông cha muôn đời nhân nghĩa.

Thắm tiếng ru hời của tình mẹ bao la, điểm tô cho quê em ngày thêm hương sắc...

CÂU 2

Em kể ngày xưa quê em nghèo lắm...

Nước mặn đồng chua trên hòn đảo nhỏ, cầu kênh bắc qua nối nhịp đôi bờ...

Long Hựu Đông Tây đã ao ước tự bao giờ.

Con đê dài lấn ra cửa biển, xa quạt quay đều mát rượi cánh đồng tôm. (-)

Lúa lên xanh xanh thắm xóm thôn, người Long Hựu qua rồi những năm dài trăn trở.

Nhà mới xây một góc trời ngói đỏ, đất khơi màu no ấm cũng về theo...

NÓI LỐI

Về thị trấn cho hoa đời chớm nở

Phố chợ đông tươi trẻ một miền quê

Em đi bên anh hoa tím áo bà ba

Màu mơ ước với nụ cười hiền hậu...

CÂU 5

Mình về Long Hòa vành đai Rạch Kiến dấu tích vàng son của một thời quê hương kháng chiến...

Cần Đước ơi mảnh đất kiên trung đã đi vào trang sử mà bình dị thân thương như khúc hát...quê...nhà...

Luống cải vườn rau bên trận địa đã xanh màu.

Long Định Long Cang bừng lên sức sống, khu công nghiệp nối liền sừng sững vươn cao. (-)

Những công trình tiếng máy vang xa, em vào ca ba bên đôi tay cần mẫn.

Chiếu Long Cang với niềm tin cháy bỏng, mỗi chuyến hàng đi được bè bạn đón mời.

CÂU 6

Đêm Chợ Đào trăng khuất rặng bần thưa, tiếng nhạc du dương vọng về nghe sâu lắng.

Bởi nơi đây là noi đờn ca tài tử, đã khơi mầm khắp chốn gần xa.

Tiếng chuông chùa đã trỗi canh ba, vẳng nghe cung oán cung thương gieo vào lòng thi sĩ.

Nhớ ơn tiền nhân có công khai phá, Cần Đước Chợ Đào đã vào nhạc vào thơ.

Ơi hồn nhạc cho đời biết trân trọng mến yêu, đã lưu truyền cho bao thế hệ.

Dẫu đất nước qua bao cơn dâu bể vẫn tỏa sáng lan xa hồn nhạc rạng ngời. (-)

Nàng Thơm Chợ Đào làm giàu xứ sở, Cần Đước quê mình vững bước đi lên.

Đi trong hạnh phúc dâng tràn.

Trong niềm vui mới huy hoàng hôm nay.

audio-thumbnail
CanDuocQueEm TaThienTai
0:00
/584.294943

Lời Vọng Cổ Xoài Đôi

Đây là một bài tân cổ rất hay của tác giả Kha Tuấn, viết về vùng đất Xoài Đôi (Long Trạch - Cần Đước) nơi có hình ảnh người mẹ tảo tần bán rau ngoài chợ và mối tình của chính tác giả với cô bạn học đã đi lấy chồng xa. Bài tân cổ này rất phổ biến và được rất nhiều thí sinh chọn làm tiết mục dự thi các chương trình giọng ca tài tử cải lương trong thập niên 2000. Người Làm Ruộng xin chia sẻ với quý vị độc giả lời bài tân cổ này:

XOÀI ĐÔI

TÁC GIẢ: KHA TUẤN

NÓI LỐI

Hai mươi năm xa quê, em lấy chồng xứ lạ

Ngã tư quê mình vẫn gọi Xoài Đôi

Vẫn cái chợ nhỏ ngày xưa gió cuốn mù bụi đỏ

Em kéo nón nửa vành che mái tóc phủ bờ vai

VỌNG CỔ

CÂU 1

Hai mươi năm cũng đã nhòa phai mối tình non dại cũ. Và gió bụi thời gian cũng làm tóc tôi nhuốm bạc lâu... rồi.

Em cũng đâu còn là cô gái quê vai nặng gánh rau chiều.

Chỉ có ngã tư Xoài Đôi vẫn chia đều đi bốn ngã, cho mỗi lần về tôi nhận lại tuổi thơ. (-)

Nên băn khoăn hoài trước cổng trường xưa, cây điệp già vẫn còn nguyên dáng nghiêng nghiêng trầm mặc.

Bên ao sen ngày nào đang mùa tàn tạ, mặt ao úa buồn như tiếc thương hương sắc...

CÂU 2

Nhưng em ơi sen tàn rồi lại nở, cho mặt ao lại đầy đặn tươi hồng.

Còn em ra đi sao biền biệt không về?

Thương má già nua đầu bạc trắng, vai gánh rau chiều mòn mỏi ngóng trông con. (-)

Nhớ ngày em lấy chồng tóc má hãy còn xanh, ba mất sớm cảnh nhà thêm trống vắng.

Ly rượu mừng mà tràn nước mắt, trước sân nhà màu nắng cũng rưng rưng...

NÓI LỐI

Đám cưới của em, đàng trai ở xa, lễ rước dâu không có

Má tủi buồn chỉ đưa con ra tới chợ Xoài Đôi

Ôi cái chợ nhỏ quê mình gió cuốn mù bụi đỏ

Má lại nghiêng nón nửa vành, che mái tóc cho em.

VỌNG CỔ

CÂU 5

Hai mươi năm mái tóc xuân xanh của thời con gái, từng tựa vào vai tôi dịu thơm như hương lúa trên... đồng.

Vẫn đằm thắm trong tôi thi vị mối tình đầu.

Dẫu tình yêu ấy mong manh chỉ còn là nỗi nhớ, bởi em không thể đợi chờ kẻ phiêu bạt như tôi. (-)

Thì em ơi cũng đừng quên ngã tư Xoài Đôi, tuổi thơ của chúng mình ở đó.

Là quê hương có tấm lòng mênh mông của má, là cơn gió ru ta yên ả mỗi trưa hè.

CÂU 6

Chiều nay về, tôi thấy má gánh rau, gánh rau nặng oằn trên lưng còng của má.

20 năm giữa dòng đời bươn chải, má đã phải gánh rau chiều đi bán thay em.

Để mỗi chuyến xe về dừng lại ở Xoài Đôi, má lại đứng đợi rồi thở dài nghe đau nhói.

Em ở đâu sao không về với má, dù có cay đắng hẩm hiu hay đang hạnh phúc bên chồng. (-)

Đừng vô tình như chiếc lá em ơi

Khi tàn rụng mới tìm về gốc cội

Ngã tư Xoài Đôi vẫn chia đều đi 4 ngã

Có ngã nào mà không dài rộng đợi chờ em./.

Lời Vọng Cổ Tình Mẹ (TG: Phạm Văn Phúc)

Một bài vọng cổ rất hay của tác giả Phạm Văn Phúc nói về việc gìn giữ tình mẹ của những người con xa xứ qua câu hát, lời ru ngọt ngào thuở ấu thơ.

NÓI LỐI

Tôi đã gặp một bà mẹ trẻ giữa trưa hè ru con thơ bằng điệu nhạc loạn cuồng của miền Nam Mỹ xa xôi.

Và tôi cũng đã mấy lần dự cuộc tiễn đưa những người bạn tôi ra sân bay đi đoàn tụ.

Vậy mà trên tay họ vẫn còn trân trọng nâng niu cây đàn tranh xứ sở.

CÂU 1:

Hai điều đó đã làm cho tôi suy nghĩ, bạn ơi bạn sẽ là ai nếu không còn thương mẹ.

Sẽ ra sao khi xa lạ với ngôn ngữ quê hương bằng điệu lý câu...hò.

Sẽ về đâu khi bến vắng đợi con đò.

Để khi lớn khôn bạn không hề trống vắng, một tình mẹ tuyệt vời từ những lời ru.

Mẹ dạy vui buồn thương ghét giữa nhân gian từ buổi sơ sinh cho tới lúc trưởng thành.

Một ngọn nguồn đã khơi dậy từ đâu, từng điệu hát đơn sơ mà mênh mông dàn trải…

CÂU 2:

Ầu...ơ...con chim se sẻ nó đẻ trên cột đình

Bà ngoại đẻ má, má đẻ mình bạn ơi

Gian khổ hay giàu sang mỗi cuộc đời riêng tấm áo nhưng vẫn chung một nguồn cội quê nhà.

Xứ sở thiêng liêng bởi nhân nghĩa đậm đà.

Bạn ơi câu hát ru hay tiếng đàn tranh thổn thức bạn có ấm lòng nơi đất lạ trời xa.

Hãy biết ơn những câu hát ầu ơ những cung điệu quê hương mênh mông sâu lắng

Ai nỡ lãng quên và ai còn mang nặng để xa cách cũng gần mà tình mẹ lại đành xa.

NÓI LỐI

Thiên chức thanh cao thuộc về người mẹ

Trải cuộc đời với muối mặn gừng cay

Để cho con có vị ngọt của đời

Và hơn nữa một quê hương rất thật

CÂU 4:

Tìm đâu thấy trong những âm vang xa lạ, những hình ảnh quê hương cho con trẻ biết tôn...thờ

Biết trân trọng nâng niu từng chữ từng lời.

Bạn ơi có khi nào nghe lòng day dứt, khi tiếng đàn bầu nó trỗi điệu Nam Ai

Và khi bạn nếm hương vị lạ xa, chắc cũng không hơn được cái đậm đà của xứ sở

Không thể có mùi hương cau nhè nhẹ và hơi thở Việt Nam nơi xứ lạ quê người.

CÂU 5:

Điều gì đã khiến cho ai kia không nhớ nổi một lời ru, nhưng lại rất thuộc những bài ca du nhập.

Có phải chăng vì quê hương còn nghèo khó nên quay mặt đi với cung điệu quê nhà.

Để tìm kiếm ở nơi xa một tình cảm đậm đà.

Ai ơi nếu chưa ấm trái tim quê mẹ thì làm sao tìm được chút tình chân thật của người ta.

Cái nghèo nó buộc ta phải trông rộng nhìn xa, phải vươn tới nhưng xin đừng phụ bạc.

Manh áo cũ còn có ngày thay mới, còn tình nghĩa thì muôn thuở phải vun bồi.

CÂU 6:

Mỗi câu hát lời ru là một dòng suối mát, tuôn chảy ngàn đời sông biển mới mênh mông

Mình phải thương cái e thẹn ngại ngùng khi có người lỡ hát sai đàn lỗi nhịp.

Hãy hiểu cho nỗi lòng tha hương hoài vọng bằng câu hát tiếng đàn từ nguồn cội mang theo.

Đã thường tình chuyện kẻ ở người đi nhưng rất hiếm những cung điệu quê nhà nơi đất khách.

Xa mặt cách lòng mình đâu dám trách nhưng buồn hay lo khi thiếu đi một tình mẹ ru hời.

Bạn nhé bao giờ mình cũng hướng tới ngày mai nhưng xin hãy thương mẹ và nhớ ơn những lời ru sâu lắng.

Ầu...ơ...tay bưng dĩa muối chấm gừng

Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau.

Lời Vọng Cổ Chiếc Nóp Quê Hương

Đây là một bài ca cổ rất hay của tác giả Văn Hồng Cẩm, từng được phát rất nhiều lần trên sóng phát thanh.

CHIẾC NÓP QUÊ HƯƠNG

TÁC GIẢ: VĂN HỒNG CẨM

Nói Lối

Thuở bé thơ tôi sống đời cơ cực

Ngày chăn trâu đêm về với chiếc nóp tả tơi

Nóp ấp ủ tôi những cơn giá lạnh mưa rơi

Ru tôi ngủ như hồn trong nôi nhỏ

LÝ GIAO DUYÊN

Gió bấc đêm sương

thương người không manh áo

sống kiếp cơ bần

tô nợ chất chồng

nóp rách chẳng toàn thân

lưng roi đòn tan nát thân

biết cùng ai san sẻ

chỉ đêm đêm nóp ấp ủ thân gầy

nhìn sao trời tủi phận đắng cay

tiếng quốc gọi về theo từng giọt lệ rơi

CÂU 1:

Rồi một sáng mùa thu đất trời lồng lộng

mõ tre vang động hoà muôn tiếng trống nóp gọn sau lưng tôi cùng nhịp sống bao...người

Dứt gông xiềng nô lệ tháng tám cho tôi một cuộc đời.

Ngọn tầm vông mẹ gánh lúa nộp tô chúa đất, trao lại cho con lên đường làm vệ quốc quân.

Và chiếc khăn rằn ông cha để lại trước lúc chúng xâu tay lưu đày biệt dạng.

Ta làm cờ lệnh xông lên để trả hờn cho muôn lòng thù Quốc.

CÂU 2:

Đây túi gạo nàng tiên theo người ra trận hương vị dẻo thơm

mang tình quê vương vấn với cả ngày thơ ở độ chăn trâu tủi hận chất chồng.

Túi gạo yêu thương gói tròn trong nóp cho ngào ngạt hương nồng.

Buổi công đồn nóp làm giá súng giữ chiến khu nóp xây thành luỹ kiên trung.

Thắng trận này thêm trận mới càng cao kháng chiến trường kỳ tả tơi mảnh vá

Nhưng nóp vẫn một lòng vàng đá, với tình người thề quyết ra đi.

CÂU 3:

Ôi chiếc nóp quê hương là gia đình đời vệ quốc

khi thắng trận về trải nóp quay quần kể chuyện chiến công.

Các mẹ cho quà các em múa ca trìu mến

vạn mối tình sâu nặng thiêng liêng

Ngày bưng biền lại kê nóp làm bàn tập đánh vần khuya

đêm nóp ru giấc ngủ say mơ ai giọng hoà dìu dặt.

Hò...ơ...gió đẩy gió đưa bông bồn bồn rụng trắng,

thương anh vệ quốc đoàn vai nặng súng mang.

Đêm đêm em thức giã bàng, chờ dịp qua làng đan nóp tặng anh.

Hò...ơ....đêm nay gió dịu trăng thanh, sao bằng ánh mắt long lanh rạng ngời.

Chứa trong chiếc nóp em ơi, theo anh đi khắp nơi nơi chiến trường.

CÂU 5:

Đánh Pháp thua anh lại lên đường đánh Mỹ

Mang võng sau lưng mà tưởng chừng chiếc nóp ngày xưa.

Đêm giữa rừng võng kẽo kẹt đong đưa.

Tiếng của võng hay giọng hò ơ của người đan nóp

Hò...ơi...gió đẩy gió đưa bông bồn bồn rụng trắng

Thương anh vệ quốc đoàn nay làm giải phóng quân

Nặng vương tình nóp sau lưng

Của người em gái...hò....ơ..

Của người em gái đồng bưng quê....nghèo.…

Vẫn ánh mắt trăng soi dưới vành mũ tai bèo

Nhưng đâu phải kẻ ra đi với người đưa tiễn

Mà nay ta cùng mang võng hành quân

Chữ i tờ học trên nóp để dưới tầm pháo sáng

hôm nay anh lại chép bài hát cho em

Kháng chiến bền lâu càng thấm sâu tình đất nước.

Hát đi em thêm hùng tráng khúc hát thành đồng

CÂU 6:

Tiếng súng im rồi cả nước non độc lập

Sau lễ trầu cau anh lại mang võng ra đi

Chốn biên phòng võng ru anh kẽo kẹt

Mà nghe thương từng chiếc nóp ngày xưa

Có phải giờ này em lại giã bàng đan nóp

Tay nhanh nhanh đưa từng sợi nhớ thương

Ngày xưa đan nóp tặng anh ngày nay đương đệm giành phơi lúa vàng

Lúa nàng tiên đã cùng anh ra trận để mùa này vàng ánh mênh mông

Dẻo cơm hạt lúa no lòng, nảy mầm giữa nóp hương nồng thuỷ chung.

Lời vọng cổ Đôi Bờ Mùa Xuân (tác giả Ngô Hồng Khanh)

Lời bài vọng cổ Đôi Bờ Mùa Xuân của tác giả Ngô Hồng Khanh.

Một bài ca cổ rất hay được tác giả Ngô Hồng Khanh soạn với nội dung ca ngợi lịch sử hào hùng của quê hương Thủ Thiêm, cùng với sự hoàn thành của công trình hầm Thủ Thiêm mang ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của thành phố Hồ Chí Minh. Bài ca cổ này từng được thí sinh Nguyễn Minh Hải trình diễn ở vòng chung kết xếp hạng cuộc thi Chuông Vàng Vọng Cổ năm 2013 (hát câu 1256). Phiên bản song ca do nữ NSND Thanh Ngân và NSƯT Lê Tứ (hát câu 156) trình diễn rất ấn tượng. Xin gửi đến quý bạn đọc lời bài ca cổ này.

ĐÔI BỜ MÙA XUÂN

TÁC GIẢ: Ngô Hồng Khanh

NÓI LỐI

Mẹ ngước nhìn trời xanh mênh mông lồng lộng

Sừng sững chọc trời chất ngất những lầu cao

Nhớ câu hát ru xưa trên sóng nước dạt dào

Sài Gòn đó Bến Nghé Thủ Thiêm mưa chờ nắng đợi

Ầu...ơ....bắp non mà nướng lửa lò

Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm

CÂU 1:

Ôi câu hát nao nao mẹ bỗng nhớ con đò nghèo lênh đênh trên bến nước

Sóng đẩy gió đưa bồng bềnh xuôi ngược chèo chống mỏi mê đưa rước khách sang...dòng.

Nhớ câu hát ầu ơ mẹ bỗng chạnh lòng.

Ôi Thủ Thiêm xưa quê nghèo phố thị, mấy mươi năm rồi mẹ lại về đây (-).

Đi giữa phố phường hay đi giữa cơn mơ, đâu bến đò xưa lau lách bụi bờ.

Mẹ bỗng nhớ kiếp người chìm nổi lênh đênh như kiếp đò xưa bồng bềnh sóng nước

CÂU 2:

Mẹ cứ ngỡ trong mơ nhìn đôi bờ sông mênh mông nắng trải gió từ lòng sông hay gió tự lòng người.

Gió chở mùa xuân xuân của cuộc đời.

Đại lộ Đông Tây tấp nập gái trai mùa xuân náo nức, sâu sâu đường hầm nghe hạnh phúc bay lên.(-)

Những nhịp cầu in bóng nước lung linh, soi dòng Bến Nghé như bức tranh xuân lộng lẫy.

Thành phố vào xuân người vui như trẩy hội, mẹ mỉm môi cười sao khoé mắt rưng rưng.

NÓI LỐI:

Vượt hầm Thủ Thiêm mẹ xuyên qua lòng đất

Nhớ năm xưa hầm bí mật mẹ đào

Nhớ chiếc nóp quê nghèo ai đương đệm tiễn người đi

Nhớ câu hát người xưa còn nao nao trong dạ

LÝ ĐƯƠNG ĐỆM

Ngó qua bến chợ Thiêm mà Thủ Thiêm thấy cô em ngồi đương đệm thương càng thương cái giắc ghim, bến sông xưa mưa chờ nắng đợi thương càng thương ơi Thủ Thiêm, nhớ thương ai ngồi đương đệm thương càng thương bến sông xưa thương càng thương bến sông xưa.

CÂU 5:

Chiếc nóp trên vai cũng con đò xưa đưa người đi đuổi...giặc.

Bến Nghé chờ ai đèn ngọn xanh ngọn đỏ Thủ Thiêm chờ ai đèn khi tỏ khi...mờ

Để có hôm nay rạng rỡ mùa xuân thành phố Bác Hồ

Bốn mươi mùa xuân vẹn nghĩa tình sau trước

Để mẹ yên lòng dù cảnh cũ đã đổi thay(-)

Nối bước chân mẹ dạn dày là tuổi trẻ hôm nay.

Năng động hăng say nhiệt tình sáng tạo

Vươn tới chân trời xa vẫn không quên vun đắp dáng đứng thành phố uy nghi trên nền cội vững bền

CÂU 6:

Ôi Bến Nghé Thủ Thiêm mẹ về đây vừa lạ vừa quen vừa thương nhớ ngậm ngùi

Vừa cứ ngỡ trong mơ trào dâng niềm hạnh phúc.

Ơi giữa dòng người xe chiều nay tấp nập, có màu áo xanh tình nguyện sáng niềm tin.

Ấm áp nụ cười trong ánh mắt thanh xuân, đầy đặn nghĩa tình trong nhịp đập trái tim son trẻ.

Sài Gòn xuân xưa xuân thương xuân nhớ thành phố hôm nay rạng rỡ mấy ân tình.

LÝ ĐƯƠNG ĐỆM

Ngó qua bến chợ Thiêm mà Thủ Thiêm nhớ thương ai ngồi đương đệm thương càng thương cái giắc ghim, bến sông xưa mưa sầu nắng đợi đôi bờ nay đón xuân vui đôi bờ nay xanh thắm ước mơ.