Skip to content

Hợp âm Lý Mỹ Trà cải lương

Chia sẻ hợp âm điệu Lý Mỹ Trà dành cho các bạn đam mê bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử - cải lương. Có thể ứng dụng trong tập luyện, giao lưu, biểu diễn, hòa âm phối khí.

Chia sẻ hợp âm điệu Lý Mỹ Trà dành cho các bạn đam mê bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử - cải lương. Có thể ứng dụng trong tập luyện, giao lưu, biểu diễn, hòa âm phối khí. Đây là hợp âm theo cảm nhận cá nhân, tùy mỗi người có thể có cách hòa âm khác nhau.

Hợp âm Lý Mỹ Trà dây đào (Dm)

Phút chia [Dm]ly nhói tim [Dm]đau lòng tan nát [Dm]lòng

Vời vợi [F]xa buồn mà [Bb]chi hỡi cố nhân [Dm]ơi

Phút giây [Gm]này không nói nên [Gm]lời, thời son [Am]sắc

[Dm]đã lỗi câu thề [Bb]ước lối xưa còn [Dm]đó đớn đau tim [F]người...tình [Dm]chung.

Hợp âm Lý Mỹ Trà dây xề đào (Em)

Phút chia [Em]tay tiễn anh [Em]đi trường sa giết [Em]thù

Tình nương [G]ơi cầm tay [C]nhau lưu luyến xa [Em]nhau

Chốn sa [Am]trường thiếp mong [Am]chờ ngày chiến [Bm]thắng

[Em]Tiếng quân reo rộn [C]rã khúc ca đoàn [Em]viên duyên sắc [G]cầm...đôi [Em]ta.

(Trích ca cảnh "Khúc Biệt Ly")

Hợp âm Lý Mỹ Trà dây kép (Gm)

Chính tay [Gm]tôi bóp nát con [Gm]tim người yêu thuở [Gm]nào

Lời thề [Bb]xưa giờ bay [D#]theo những cánh thơ [Gm]rơi

Chốn xa [Cm]nào tôi vẫn nguyện [Cm]cầu em tròn hạnh [Dm]phúc

[Gm]Đã trôi theo dòng [D#]nước những câu thề [Gm]ước khổ đau [Bb]này...mình tôi [Gm]mang.

(Trích tuồng cải lương "Mây Chẳng Buồn Trôi")

Hợp âm Lý Mỹ Trà dây xề kép (Am)

Nín đi [Am]em khóc thêm [Am]chi làm tan nát [Am]lòng

Kề cận [C]nhau mình lại [F]trao bao ước mơ [Am]xưa

Biển dâu [Dm]nào xui khiến xa [Dm]rời cho đời hoang [Em]vắng

[Am]Để cho tình [F]lỡ kẻ đi người [Am]ở sống trong khổ [C]sầu...bao [Am] năm.

(Trích tuồng cải lương "Từ Hôn")

Hợp âm Lý Chiều Chiều Huế cải lương

Chia sẻ hợp âm điệu Lý Chiều Chiều dành cho các bạn đam mê bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử - cải lương

Chia sẻ hợp âm điệu Lý Chiều Chiều dành cho các bạn đam mê bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử - cải lương. Có thể ứng dụng trong tập luyện, giao lưu, biểu diễn, hòa âm phối khí. Đây là hợp âm theo cảm nhận cá nhân, tùy mỗi người có thể có cách hòa âm khác nhau. Ở một số địa phương, Lý Chiều Chiều Huế còn được gọi một cách dân dã là "Lý Chiều Chiều Miền Trung".

Dây đào (Dm)

[Dm]Người về nơi ngàn [Dm]trùng

Sao [F]rơi rớt [Am]trên cuộc [Dm]đời

[Dm] Ru tiếng ru ngàn [F]năm như [Bb]tiếng người [G] xa cuộc [Am]đời trở về cội [Dm]nguồn.

(Trích cải lương "Hương Trầm Cho Mẹ")

Dây xề đào (Em)

[Em]Lời của người bạn [Em]tình nghe [G]sao thiết [Bm]tha êm [Em]đềm

[D]Năm tháng sao đành [G]quên, anh [C]hỡi tình [A]anh tựa như sông [Bm]dài mãi suốt đời [Em] em.

(Trích cải lương "Nước Lớn Nước Ròng")

Dây kép (Gm)

[Gm]Hè nay lại [Gm]về nhưng [Bb]em chớ [Dm]nên u [Gm]buồn

[Gm]Anh đã trao cùng [Bb]em yêu [D#]dấu

Hạ [C]thương đầy vơi tâm [Dm]tình nói trọn lòng [Gm]mình.

(Trích tân cổ "Hạ Thương")

Dây xề kép (Am)

[Am]Dù khổ nghèo còn [Am]dài em [C]ơi chớ [Em]vương ưu [Am]phiền

[G]Khi có anh kề [C]em hai [F]đứa mình [D]chung vòng tay xây [Em]đời ấm no ngày [Am]mai.

(Trích cải lương "Nước Lớn Nước Ròng")

Lời Vọng Cổ Về Long An Nghe Cung Đàn Miền Hạ

Tác giả: Ngô Hồng Khanh

NÓI LỐI

Lúa níu đôi chân, chân bám đất

Tôi về miền hạ dưới mưa rơi

Bâng khuâng ai trỗi bài vọng cổ

Khoan nhặt đầy vơi tiếng cuộc đời

CÂU 1

Cần Đước ơi tôi về đây vẫn đất bám đôi chân mưa tuôn miền hạ, mưa thương nhớ ai mưa dài theo sóng lúa rơi xuống lời ca đẫm ướt cung...đàn.

Đàn chuyển cung xuân, câu ca xưa còn chan chứa nỗi niềm.

Lý ngựa ô nam tiếng vó ngựa phi qua Chợ Trạm, hay tiếng gió căng buồm thuyền lướt sóng phương Nam.

Tiếng mái dầm khuya vượt Vàm Cỏ, khúc giang nam lưu thủy trường ai xuôi Rạch Kiến Chợ Đào.

Em hát lý qua cầu trăng rụng xuống trăng trôi, bối rối lòng tôi gạo nàng thơm vương mái tóc.

CÂU 2

Mỗi khúc ca ngân một nỗi lòng lữ thứ, mỗi tiếng đàn buông một giọt máu phong trần.

Bao hạt gạo trắng thơm mấy cung bậc bỗng trầm.

Trong khói bom cay trên vành đai Rạch Kiến, cây lúa Chợ Đào vẫn ngậm sữa trổ bông.

Thương ải nhạn sương buồn mờ mịt khúc chiêu quân, mưa Mỹ Lệ cung đàn xưa rưng ngấn lệ.

Ai hát khúc Nam Ai thuyền ai xa xứ, kinh Nước Mặn mình về thuyền cũ đã về chưa.

NÓI LỐI

Ầu....ơ...ghe anh đỏ mũi xanh lườn

Ở trên Gia Định

Ầu...ơ...ở trên Gia Định

...xuống vườn thăm em

CÂU 5

Long Hựu cù lao ba nhánh sông quê trôi về biển rộng, sáng nhớ chiều thương cửa biển mờ sương mưa chan nắng gội cho câu hát quê hương vời vợi tâm...tình.

Câu hát tương tư mình nhớ thương mình.

Khúc năm cung sóng xô vàm Nhựt Tảo, rừng dừa nước chuyển mình nhuộm sắc rừng thương.

Cần Đước quê nghèo dân ấp dân lân, máu nghĩa sĩ nghĩa nhân thắm đỏ.

Nghèo cạp đất, chết vùi thây trong đất, hát nữa đi em cung oán thuở đoạn trường.

CÂU 6

Cần Đước ơi! Tôi về đây đi giữa cơn mưa, mưa buốt lạnh tiếng tơ lòng sưởi ấm.

Càng thương lắm những bàn tay rám nắng, khảy cung đàn gieo hạt thắm đồng xanh.

Tay cầm cày cầm súng thuở chiến tranh, hồn chiến sĩ hóa tâm hồn nghệ sĩ.

Mưa miền hạ rơi dài theo sóng lúa, rơi xuống hồn tôi câu hát đượm tình người.

Về miền hạ vui mùa tôm no ấm, thương kiếp nghèo xưa cạp đất đáy sông sâu.

Mưa miền hạ lúa nàng thơm thơm ngát, ai trỗi cung đàn đẫm ướt tim tôi.

Lời Vọng Cổ: Khi Rừng Sim Thay Lá

Xin gửi tới quý độc giả lời bài vọng cổ rất hay của soạn giả Kiên Giang, từng được nữ danh ca Thanh Nga trình bày rất thành công.

Khi Rừng Sim Thay Lá

Tác giả: Kiên Giang

NÓI LỐI

Rừng sim thay lá non rồi

Hiu hiu gió bấc sụt sùi lòng em

Em là sơn nữ rừng sim tím

Gùi trái sim bán chợ kinh kỳ

Em đã yêu tráng sĩ tự bao ngày

Khi nhớ người em thổi khèn sơn cước.

VỌNG CỔ

CÂU 1

Khi tiếng khèn giữa đồi sim vừa dứt, em thoáng mơ qua ánh lửa bóng… ai… về…

Treo chiếc khèn lên phênh vách, em vội bước ra hè.

Em ngỡ người tráng sĩ của lòng em, vừa buộc cương ngựa ở cầu thang. (-)

Nhưng khi ánh lửa bừng lên, sáng soi miền sơn dã.

Em chỉ thấy mấy chiếc lá kè đong đưa, như nếp quân kỳ tung bay trong gió.

CÂU 2

Đồi sim đã thay sắc tím mấy hôm rồi.

Chiều chiều cỡi ngựa lên đồi. Lặng nhìn khói lá thành mây trên trời.

Lòng em nương giữa khói mây. Cho chàng nhìn thấy khói quê mà tìm. (-)

Tìm người ở đỉnh đồi sim. Chiều chiều cỡi ngựa đợi tin quân về.

Hoa sim đã nở tím đồi. Nhưng không ai hái để cài tóc em.

NÓI LỐI

Ngày đi anh hẹn khi rừng thay lá

Sẽ trở về ấp ủ đóa hoa rừng

Quét lá khô em nhúm lửa hồng

Nhưng không sưởi ấm lòng băng giá

VỌNG CỔ

CÂU 4

Vì mấy phen rừng sim thay lá, mà tráng sĩ xông pha muôn dặm… chưa… về….

Em là sơn nữ còn thơ, anh là tráng sĩ kinh kỳ.

Người sơn nữ vốn mộc mạc ngây thơ, khi đã yêu thì yêu đậm đà tha thiết. (-)

Nhưng em có biết người miền Kinh, có thật tình yêu sơn nữ.

Hay mải mê bóng sắc gái giàu sang, rồi phụ rẫy đóa hoa rừng.

CÂU 5

Em không phải là nàng Tô Thị trông chồng

Hóa thành hình đá vọng phu, nhưng nếu chàng phụ rẫy đóa hoa rừng.

Thì em sẽ lên đỉnh đồi sim, mà khóc một mối tình tan vỡ

bằng dòng huyết lệ. Cho đến khi nào niềm đau khổ, biến em thành đá vọng phu (-)

Rồi một chiều hành quân qua thôn bản cũ, anh sẽ xuống ngựa.

Ở đồi sim xưa để chiêm bái tượng đá của người sơn nữ chung tình.

CÂU 6

Vì quá nhớ thương em mới mơ ước hão huyền. Chứ em vẫn biết người tráng sĩ miền Kinh.

Vẫn yêu âm thầm sơn nữ rừng sim. Nhưng vì nợ nước, vì nạn sứ quân

Chàng còn xông lướt giữa đám ba quân. Nhưng mấy mùa rừng thay lá.

Anh vẫn chống gươm bên phiến đá mơ bóng hình em trong khói lam chiều (-)

Tình em gởi áng mây trôi. Khi rừng thay lá nhớ ai sa trường.

Em tuy là đóa hoa rừng. Chỉ yêu tráng sĩ anh hùng Việt Nam.

Lời tân cổ Tình Thù Rực Nắng

Đây là một trích đoạn rất hay trong tuồng cải lương "Tình Thù Rực Nắng" của soạn giả Nguyên Thảo, trong đó có câu vọng cổ hơi dài từng được nghệ sĩ Dũng Nhí thể hiện rất ấn tượng trên truyền hình, xin được chia sẻ với quý độc giả mộ điệu.

TÌNH THÙ RỰC NẮNG

Tác giả: Nguyên Thảo

ĐOẢN KHÚC LAM GIANG

Nhìn ngoài trời quạnh hiu, ta đứng đây nghe lòng đắng cay.

Từ đâu bão giông mang về, bao nhiêu uất hận u buồn tê tái.

Giờ này người nơi đâu, có hay chăng cho lòng của ta.

Mà đêm đêm từng đêm nghe nhói đau trong lòng một mối tình thương đau.

Giờ này người nơi đâu, có thấu cho ta, vương vấn trong lòng, cuộc đời vương mang, chua xót trong tim người hỡi người ơi.

Thôi hết rồi mối duyên đầu tình ta bẽ bàng mãi mong chờ.

Nhớ thuở bên nhau anh ngậm ngùi nhìn em đắm đuối say mê nay còn đâu nữa.

Giấc mơ tươi đẹp thôi hết rồi người ơi.

Nhắc để thêm chi cho lòng anh thêm nhói đau.

CÂU 9

Em ơi đã từ lâu anh vạch chiếc lá xanh tìm vầng trăng sáng rồi chốc lát nữa đây khi mây tan chị Hằng ló dạng tôi là một kẻ cô đơn lạc vào ảo mộng nhưng khi đã lỡ trót yêu ai đã lỡ trót yêu ai yêu người con gái rồi một chiều đông tôi nghe lòng mình tê tái khi bước vào yêu ca bài ca thương nhớ tôi yêu cô gái thanh xuân giờ đây cách biệt đôi ngả đôi nơi nhờ bóng chim câu gửi gấm tâm...tình.

Đời tôi cần một tình yêu trong suốt cuộc hành trình.

Năm nay tôi vừa tròn ba mươi tuổi, ba mươi năm rồi buồn bã biết bao nhiêu (-)

Có lẽ hình hài này đã làm cho người ta ghê sợ, bởi gương mặt xấu xí vô duyên.

Khi đối diện cùng họ, họ ngoảnh mặt khinh khi, không lẽ trời sanh ta ra nhằm vì sao cô độc.

CÂU 6

Hải Miên ơi nàng không yêu tôi tôi biết, cho nên đã gục đầu buồn bã trước mùa xuân.

Xuân năm nay chắc có gì đổi khác, nên vẫn nắng hồng nên hoa lá thắm màu xanh.

Có khác chăng, khác chăng trong lòng tôi có một cái gì vương vấn.

Một khoảng trống cô đơn ngự vào cơ thể, nằng nặng thương thương vương vấn tâm hồn. (-)

Nếu bảo rằng em chẳng yêu tôi, mất em rồi đời tôi vô nghĩa.

Ôi tình yêu thật là mai mỉa, tôi yêu người mà người chẳng yêu tôi.

Lời Vọng Cổ Mai Xa Rừng Em Có Nhớ Gì Không

Lời vọng cổ bài ca Mai Xa Rừng Em Có Nhớ Gì Không. Đây là một bài ca được nữ nghệ sĩ Diễm Thu trình bày rất thành công.

Sáng tác nhạc : Vũ Lang

Thơ: Song Hảo

Lời vọng cổ: Lê Sơn

NHẠC

Mai xa rừng em có nhớ gì không?

Câu hỏi đơn sơ sao làm em bối rối.

Nếu không cùng anh đi dọc đường biên giới, em đâu hay rừng nhiều hoa thơm...

Mai xa rừng em biết nói gì đây?

Nghe nhớ bâng khuâng bao chiều mưa biên giới.

Khi bóng quân đi nghe xôn xao lá rừng.

Trong tiếng hạt mưa rơi, ai hát bài ca vui... Sao nhớ hoài anh... ơi...

VỌNG CỔ

CÂU 1

Nếu không đi cùng anh trong chiều mưa biên giới, không để gai vướng chân và cỏ may đan áo em đâu hay rừng lắm hoa thơm ngào ngạt... lưng… đồi...

Câu hỏi đơn sơ sao lòng em xúc động bồi hồi.

Nhớ đoàn quân đi trong đêm ba lô nặng trĩu. Nghe xôn xao lá rừng chào đón tiễn đưa. (-)

Những giọt mưa thành nốt nhạc trên lưng, người chiến sĩ hát bài ca ra trận.

Cho cuộc đời mát dịu xanh trong, cho tình yêu lứa đôi hồng tươi sắc thắm.

CÂU 2

Em biết nói gì đây

Khi xa rừng có nhiều hoa thơm bóng mát, có con suối xanh trong dào dạt tình đời.

Con suối nhận mang đi rồi trả lại về nguồn.

Những tình yêu quê hương đất nước, những bông lúa vàng oằn nặng đôi vai. (-)

Nghe tiếng chim rừng hót mê say, để lòng em vướng va vấn vít.

Biết nói gì đây chỉ một lần, môt lần gặp gỡ sao nhớ hoài anh ơi...

NHẠC

Có phải anh bóng mát của rừng, nơi chở che bao dung thầm lặng.

Từng cụm hoa mai nhạt, con suối mến thương, cho tiếng chim về hót mê say.

Mai xa rừng em có nhớ gì không? Sao câu hỏi cứ đan hoài trong trí.

Như bông cỏ may giữ chân người ở lại, em biết nỗi nhớ rừng hay nỗi nhớ ai.

Em biết nỗi nhớ rừng hay nỗi nhớ... ai…

Em biết nỗi nhớ rừng hay nỗi nhớ... ai…

CÂU 5

Anh ơi có phải anh là bóng mát của rừng để cho bao cuộc đời trú mưa trú nắng, như mái nhà yêu thương thầm lặng...yên... lành.

Thầm lặng bao dung mà sâu nặng nghĩa tình.

Anh là con suối mát trong cho bao cuộc đời tắm mát, là con sông hiền hòa chở nước ngọt phù sa. (-)

Em nghe trong lòng rộn rã khúc dân ca, hát về người chiến sĩ ngày đêm đi giữ nước.

Nhớ cánh rừng nhớ từng con suối nhỏ, nhớ chùm hoa sim tím ấm chân trời.

NHẠC

Mai xa rừng em có nhớ gì không? Sao câu hỏi cứ đan hoài trong trí.

Như bông cỏ may giữ chân người ở lại, em biết nói nhớ rừng hay nỗi nhớ ai.

Em biết nói nhớ rừng hay nỗi nhớ ai.

CÂU 6

Câu hỏỉ cứ làm em bối rối, nghe bồi hồi nhớ nhớ thương thương.

Tiếng chim rừng cứ vui hót mê say, từng cánh hoa chớm nở giữa lưng đồi. (-)

Thương anh nhiều em biết nói gì đây? Để ngày mai em rời xa biên giới, trở lại quê hương với lòng mong đợi.

Nhớ một chiều nào mình soi bóng... bên nhau./.

Lời vọng cổ Màu Hoa Tím Bâng Khuâng

Một bài vọng cổ rất hay của tác giả Trần Xuân Linh nói về tình yêu đôi lứa một thời cơ cực, qua hình ảnh hoa lục bình, đồng ruộng quê nghèo , dòng kinh Lâm Trung Thiên...

Nghệ sĩ Trọng Hữu đã trình bày bài ca cổ này rất thành công, nhưng hiện nay bài ca cổ này ít được biết tới.

MÀU HOA TÍM BÂNG KHUÂNG

Tác giả: Trần Xuân Linh

NÓI LỐI

Hoa lục bình cũng lá xanh và màu hoa tím

Mà ai gọi là hoa bâng khuâng

Để gợi lòng tôi bao niềm nhung nhớ

CÂU 1

Nhớ cái xóm Lâm Trung Thiên ngày xưa buồn heo hút nhớ bờ đập đầu kinh con nước đôi bờ bên cao bên thấp.

Có mái lá đơn sơ dưới tàn đước và người con gái bên sông để tôi ôm ấp nỗi niềm riêng cùng kỷ vật em trao ngày ấy quá thân...tình

Có gì đâu chỉ một cành hoa tím lục bình.

Chiều ở ruộng về tôi ghé xuồng qua đập, em quá giang rồi để lại một cành hoa. (-)

Nhà hai đứa đôi bờ chớ phải xa đâu, bụng để ý mà lòng chẳng biết làm sao nói.

Từ chiều ấy em trao cành hoa tím bâng khuâng, để anh chợt nghe lòng lâng lâng thương nhớ.

CÂU 2

Nhưng giặc Mỹ kéo về xóm nhỏ Lâm Trung Thiên, chúng ruồng bố rồi đốt mái nhà yêu dấu.

Cụm đước rùng mình theo những tiếng gươm đao, dòng kinh nhỏ phủ mờ khói trắng.

Không thấy đôi bờ và nhịp cầu nhỏ qua kinh.

Nghe tiếng mẹ sụt sùi bởi chìm trong khói lửa, nhưng mái tranh còn đâu nữa giữa tro tàn...

Lòng bỗng rưng rưng khi nhìn mắt mẹ lệ thắm đôi hàng.

Rồi lối xóm dựng lại mái nhà đơn sơ ấy, để che cho mẹ khỏi nắng mưa mà chờ đợi người xa. (-)

Cha chưa về nhưng cũng được tin, thơ dặn mẹ cứ yên lòng chờ đợi.

Và anh nghe lòng dâng nỗi buồn vời vợi, chúng đã đốt của anh rồi cành hoa tím bâng khuâng.

NÓI LỐI

Bờ đập Lâm Trung Thiên cũng con nước đôi bờ bên cao bên thấp

Cụm đước năm xưa còn đây quanh ngôi nhà lưu luyến

Ngói đỏ chang chang giữa nắng hè

Cũng hoa lục bình tim tím dọc bờ kinh

Chỉ một nhịp cầu qua sông ai chưa bắc

CÂU 5

Bốn năm xa quê với nỗi niềm riêng ngày xưa trăn trở để ngày về nghe ấm áp niềm vui trong lời mẹ kể.

Thôn xóm rầm ran trong mùa gặt hái có bóng ai qua trên bờ kinh ấy cho tôi mơ dáng người xưa và một cành hoa tím...hôm...nào.

Xóm nhỏ tôi ơi những năm xa lòng vẫn nghe thương nhớ rạt rào.

Để thầm trách mình sao ngày xưa không nói, không biết em có nhớ về những lúc xa nhau.

Mẹ nói ngày con lên đường rồi mấy tháng sau, nó từ giã mẹ đi làm liên lạc.

Rồi sau giải phóng nó về trên công tác, khi hỏi thăm con đôi mắt cứ ngập ngừng.

CÂU 6

Ôi cánh hoa lục bình màu tím đơn sơ bồng bềnh trôi giữa đôi bờ thương nhớ.

Có ai gọi cánh hoa vừa đi vừa nở, tôi chỉ nghe lòng trăn trở bâng khuâng.

Cúm núm kêu chiều rồi mấy bận, mẹ còn bơi xuồng vớt lục bình bón ruộng Thần Nông.

Mùa gọi mùa hai vụ lúa oằn bông, xóm nhỏ Lâm Trung Thiên chung lòng vào hợp tác.

Thấy mùa vui anh mơ ngày hai đứa chào cô bác và gọi tên em thuyền ơi ngày hạnh phúc đôi mình. (-)

Chờ nhau hoài ngày vui ta có nhau, áo cưới em may tím màu hoa lục bình xưa ấy.

Có giặc nào ngăn lòng ta thương nhớ, nhớ nhau hoài dù xa cách vẫn gần nhau.

Lời Tân Cổ Cần Đước Quê Em (t/g Nguyễn Minh Tuấn)

Một bài ca cổ rất hay viết về quê hương Cần Đước được sáng tác bởi tác giả Nguyễn Minh Tuấn, xin chia sẻ đến quý độc giả.

Lời Ca Cổ Cần Đước Quê Em

NÓI LỐI

Anh xuôi Vàm Cỏ Đông về quê em Long Hựu

Cửa biển dạt dào con sóng vỗ triền miên

Long Hựu quê em Hựu Lộc Mỹ Điền

Gởi bao nỗi nhớ niềm thương dâng đầy...

PHỤNG HOÀNG

Tôi cứ thẫn thờ trong nỗi...nhớ...mong...

Tiếng sóng vỗ về như lòng ai đó

Gió chở mây về khung trời tím đỏ.

Hoàng hôn xế tàn, trăng rụng đáy sông sâu...

Anh tìm suốt đêm thâu, tóc trắng pha sương hay sương trắng mái đầu.

Về đến quê em lòng vui khôn tả...

Cần Đước Chợ Đào đã vào nhạc vào thơ...

Trăng sáng đêm nay trăng sáng tương lai trăng sáng cuộc đời.

Thôn xóm đông vui muôn nẻo đường về

Đồng ruộng vuông tôm trên đồng như trẩy hội.

Cuộc sống bộn bề tình nặng nghĩa sâu

Ngày nắng đêm sương trên cánh đồng Long Hựu

Sức trẻ hiến dâng hương sắc quê nhà

Cuộc sống tương lai thêm tươi đẹp cuộc đời...

CÂU 1

Câu hát ngày xưa đã đưa tôi về kỷ niệm

Long Hựu ơi lòng tôi lưu luyến nhớ quê hương qua từng cơn sóng...dâng...trào...

Biển quê hương có tình em đằm thắm dạt dào...

Thương Long Hựu xanh tươi từng nhịp thở, nghĩa xóm tình làng nặng chữ sắt son. (-)

Thương người đi xa về xây dựng lại quê hương, đã thắm máu xương của ông cha muôn đời nhân nghĩa.

Thắm tiếng ru hời của tình mẹ bao la, điểm tô cho quê em ngày thêm hương sắc...

CÂU 2

Em kể ngày xưa quê em nghèo lắm...

Nước mặn đồng chua trên hòn đảo nhỏ, cầu kênh bắc qua nối nhịp đôi bờ...

Long Hựu Đông Tây đã ao ước tự bao giờ.

Con đê dài lấn ra cửa biển, xa quạt quay đều mát rượi cánh đồng tôm. (-)

Lúa lên xanh xanh thắm xóm thôn, người Long Hựu qua rồi những năm dài trăn trở.

Nhà mới xây một góc trời ngói đỏ, đất khơi màu no ấm cũng về theo...

NÓI LỐI

Về thị trấn cho hoa đời chớm nở

Phố chợ đông tươi trẻ một miền quê

Em đi bên anh hoa tím áo bà ba

Màu mơ ước với nụ cười hiền hậu...

CÂU 5

Mình về Long Hòa vành đai Rạch Kiến dấu tích vàng son của một thời quê hương kháng chiến...

Cần Đước ơi mảnh đất kiên trung đã đi vào trang sử mà bình dị thân thương như khúc hát...quê...nhà...

Luống cải vườn rau bên trận địa đã xanh màu.

Long Định Long Cang bừng lên sức sống, khu công nghiệp nối liền sừng sững vươn cao. (-)

Những công trình tiếng máy vang xa, em vào ca ba bên đôi tay cần mẫn.

Chiếu Long Cang với niềm tin cháy bỏng, mỗi chuyến hàng đi được bè bạn đón mời.

CÂU 6

Đêm Chợ Đào trăng khuất rặng bần thưa, tiếng nhạc du dương vọng về nghe sâu lắng.

Bởi nơi đây là noi đờn ca tài tử, đã khơi mầm khắp chốn gần xa.

Tiếng chuông chùa đã trỗi canh ba, vẳng nghe cung oán cung thương gieo vào lòng thi sĩ.

Nhớ ơn tiền nhân có công khai phá, Cần Đước Chợ Đào đã vào nhạc vào thơ.

Ơi hồn nhạc cho đời biết trân trọng mến yêu, đã lưu truyền cho bao thế hệ.

Dẫu đất nước qua bao cơn dâu bể vẫn tỏa sáng lan xa hồn nhạc rạng ngời. (-)

Nàng Thơm Chợ Đào làm giàu xứ sở, Cần Đước quê mình vững bước đi lên.

Đi trong hạnh phúc dâng tràn.

Trong niềm vui mới huy hoàng hôm nay.