trọng hữu
Một bài ca vọng cổ rất hay viết về người mẹ, dựa theo nhật ký của chú Nguyễn Chiến Bình, tác giả Võ Nguyễn Huê Hồng đã viết nên những lời ca cổ đầy cảm xúc. NSND Trọng Hữu đã trình bày rất thành công bài ca này.
NÓI LỐI
Khi bóng chiều chen lạnh cuối rừng sâu
Người lính trẻ thoáng nghe lòng xao động
Hướng mắt xa xăm về chân trời cao rộng
Hình bóng quê nhà ẩn hiện dưới màn sương
Ầu ơ...
Chiều chiều nghe tiếng nhái kêu
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều
LÝ BA TRI
Hoàng hôn cảnh sắc nên thơ
Khúc nhạc não lòng tràn dâng nỗi nhớ
Miền quê thấp thoáng xa xa
Bên mái tranh nghèo mắt mẹ chờ mong
Thương đứa con xa nhà thăm tháng bận hành quân
Thương đứa con xa nhà thăm tháng bận hành quân
CÂU 1
Mẹ ơi có phải nỗi chờ mong sánh tựa núi sông dạt dào tình yêu nước.
Dù năm tháng gian lao dù mưa bom bão đạn mẹ vẫn thiết tha chờ đợi buổi tao phùng.
Con nguyện xứng danh truyền thống anh hùng
Giã từ trường lớp xa thầy xa bạn, con lại lên đường nối bước cha ông. (-)
Nơi tiền phương con hăng hái lập công, chiến đấu hy sinh vì tự do độc lập.
Dù khó khăn thử thách nguy nan con vẫn kiên cường xông lên phía trước.
CÂU 2
Rừng U Minh những chiều mưa gợi nhớ, nhớ lắm mẹ ơi hình bóng quê nhà.
Êm ái lời ru bên vòng tay mẹ hiền hòa.
Nỗi sục sôi thù nhà nợ nước, cậu bé mới mười ba tuổi đầu đã trở thành chiến sĩ giải phóng quân.(-)
Biết tự hào cầm súng đấu tranh, và rất đỗi hờn căm trước cảnh hy sinh của đồng đội.
Biết xót thương bao đồng bào vô tội đang bị đọa đày dưới ách nô lệ lầm than.
NÓI LỐI
Sau trận đánh công đồn năm ấy
Nơi căn cứ một mình trằn trọc nỗi niềm thương
Rừng U Minh tràm thơm ngát mùi hương
Nghe tiếng mưa rơi mà chạnh lòng người lính trẻ
NAM AI
Lắng nghe...
Vẳng đâu đây, nỗi nhớ âm thầm
Hòa lẫn tiếng dế ngâm, như khúc nhạc não lòng.
Kỷ niệm thời thơ ấu hồn nhiên
Đậm tình ấm áp thân thương
Con ước ao ngày sum họp gia đình
Để được báo hiếu mẹ cha
Nhớ mùa thu lịch sử năm nào
Nơi đầu làng mẹ tiễn cha đi
Giương cao ngọn cờ hồng
Vì tổ quốc hi sinh
Con hướng về quê hương đất mẹ
Tìm dư âm một chút thâm tình.
Để xua tan nỗi u buồn, trong những tháng ngày xa quê.
CÂU 5
Những năm tháng xa xôi dủ ở nơi đâu con vẫn nhớ về quê mẹ.
Mỗi lúc hành quân dừng chân con viết vội trang nhật ký buồn vui thắm đượm máu tim...mình
Ôi từng chữ từng trang theo suốt cuộc hành trình.
Con thầm hỏi vì sao gia đình ta không một ngày sum họp, vì đâu mà con không được báo hiếu mẹ cha.
Vì đâu cứ mãi kéo dài sự cách xa, vì đâu mẹ cạn khô nước mắt khi hay tin đứa con hi sinh dù đó không phải là sự thật.
Tất cả đều do giặc thù xâm lược và bè lũ tay sai bạo ác tham tàn.
LÝ CON SÁO
Thuở ấu thơ con phải sống nương nhờ nhà dân.
Áo không được lành cơm chẳng được no, vì cha mẹ bận công tác xa.
Phát huy truyền thống anh hùng chúng con học tập nên người.
Lòng nguyện thề làm người con hiếu trung tung cánh chim bốn phương trời xa.
Khi tổ quốc cần là chúng con hiến dâng, dẫu khó khăn cũng không từ nan.
CÂU 6
Mấy mươi năm trên đường xuôi ngược, con luôn khắc ghi lời nhắn nhủ thâm tình. (-)
Chiến đấu hy sinh vì mục tiêu cao cả, bình yên hạnh phúc đến muôn nhà.
Vững niềm tin con hành quân vào trận mới, tiến bước dưới cờ vì đảng vì dân.
Một bài vọng cổ rất hay của tác giả Trần Xuân Linh nói về tình yêu đôi lứa một thời cơ cực, qua hình ảnh hoa lục bình, đồng ruộng quê nghèo , dòng kinh Lâm Trung Thiên...
Nghệ sĩ Trọng Hữu đã trình bày bài ca cổ này rất thành công, nhưng hiện nay bài ca cổ này ít được biết tới.
MÀU HOA TÍM BÂNG KHUÂNG
Tác giả: Trần Xuân Linh
NÓI LỐI
Hoa lục bình cũng lá xanh và màu hoa tím
Mà ai gọi là hoa bâng khuâng
Để gợi lòng tôi bao niềm nhung nhớ
CÂU 1
Nhớ cái xóm Lâm Trung Thiên ngày xưa buồn heo hút nhớ bờ đập đầu kinh con nước đôi bờ bên cao bên thấp.
Có mái lá đơn sơ dưới tàn đước và người con gái bên sông để tôi ôm ấp nỗi niềm riêng cùng kỷ vật em trao ngày ấy quá thân...tình
Có gì đâu chỉ một cành hoa tím lục bình.
Chiều ở ruộng về tôi ghé xuồng qua đập, em quá giang rồi để lại một cành hoa. (-)
Nhà hai đứa đôi bờ chớ phải xa đâu, bụng để ý mà lòng chẳng biết làm sao nói.
Từ chiều ấy em trao cành hoa tím bâng khuâng, để anh chợt nghe lòng lâng lâng thương nhớ.
CÂU 2
Nhưng giặc Mỹ kéo về xóm nhỏ Lâm Trung Thiên, chúng ruồng bố rồi đốt mái nhà yêu dấu.
Cụm đước rùng mình theo những tiếng gươm đao, dòng kinh nhỏ phủ mờ khói trắng.
Không thấy đôi bờ và nhịp cầu nhỏ qua kinh.
Nghe tiếng mẹ sụt sùi bởi chìm trong khói lửa, nhưng mái tranh còn đâu nữa giữa tro tàn...
Lòng bỗng rưng rưng khi nhìn mắt mẹ lệ thắm đôi hàng.
Rồi lối xóm dựng lại mái nhà đơn sơ ấy, để che cho mẹ khỏi nắng mưa mà chờ đợi người xa. (-)
Cha chưa về nhưng cũng được tin, thơ dặn mẹ cứ yên lòng chờ đợi.
Và anh nghe lòng dâng nỗi buồn vời vợi, chúng đã đốt của anh rồi cành hoa tím bâng khuâng.
NÓI LỐI
Bờ đập Lâm Trung Thiên cũng con nước đôi bờ bên cao bên thấp
Cụm đước năm xưa còn đây quanh ngôi nhà lưu luyến
Ngói đỏ chang chang giữa nắng hè
Cũng hoa lục bình tim tím dọc bờ kinh
Chỉ một nhịp cầu qua sông ai chưa bắc
CÂU 5
Bốn năm xa quê với nỗi niềm riêng ngày xưa trăn trở để ngày về nghe ấm áp niềm vui trong lời mẹ kể.
Thôn xóm rầm ran trong mùa gặt hái có bóng ai qua trên bờ kinh ấy cho tôi mơ dáng người xưa và một cành hoa tím...hôm...nào.
Xóm nhỏ tôi ơi những năm xa lòng vẫn nghe thương nhớ rạt rào.
Để thầm trách mình sao ngày xưa không nói, không biết em có nhớ về những lúc xa nhau.
Mẹ nói ngày con lên đường rồi mấy tháng sau, nó từ giã mẹ đi làm liên lạc.
Rồi sau giải phóng nó về trên công tác, khi hỏi thăm con đôi mắt cứ ngập ngừng.
CÂU 6
Ôi cánh hoa lục bình màu tím đơn sơ bồng bềnh trôi giữa đôi bờ thương nhớ.
Có ai gọi cánh hoa vừa đi vừa nở, tôi chỉ nghe lòng trăn trở bâng khuâng.
Cúm núm kêu chiều rồi mấy bận, mẹ còn bơi xuồng vớt lục bình bón ruộng Thần Nông.
Mùa gọi mùa hai vụ lúa oằn bông, xóm nhỏ Lâm Trung Thiên chung lòng vào hợp tác.
Thấy mùa vui anh mơ ngày hai đứa chào cô bác và gọi tên em thuyền ơi ngày hạnh phúc đôi mình. (-)
Chờ nhau hoài ngày vui ta có nhau, áo cưới em may tím màu hoa lục bình xưa ấy.
Có giặc nào ngăn lòng ta thương nhớ, nhớ nhau hoài dù xa cách vẫn gần nhau.